Khẩn trương triển khai các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng

Giá nhiên vật liệu xây dựng leo thang vừa qua ảnh hưởng tới các công trình giao thông trọng điểm, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý, bình ổn.

Ảnh nh họa - TTXVN

Theo đó, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

"UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật", công văn nêu rõ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Trước đó, nhiều nhà thầu công trình giao thông, nhất là cao tốc Bắc - Nam, phản ánh giá nhiên vật liệu từ xi măng, sắt thép, xăng dầu... tăng liên tục khiến các gói thầu "đội giá" đến 30% so với giá trúng thầu.

Trong khi đó, các gói thầu đều tính chi phí dự phòng 5-6% cho phần trượt giá và các chỉ số giá chưa được các địa phương công bố kịp thời, chưa phù hợp với biến động thực tế. Việc này khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thi công các dự án công trình giao thông trọng điểm.