Khai giảng: Nên linh hoạt, gọn nhẹ hết sức để tránh làm khổ thầy trò

Lễ khai giảng theo kế hoạch sẽ diễn ra đồng loạt trên cả nước vào ngày 5/9. Tập dượt chuẩn bị cho khai giảng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều trường lo lắng cho sức khỏe của con trẻ, nhất là vào chính hôm khai giảng, khi phải ngồi hàng giờ ngoài trời nắng nóng hoặc có mưa.

Vậy, có nhất thiết phải khai giảng đồng loạt sáng 5/9 không, hay nên tổ chức linh hoạt để ưu tiên đảm bảo sức khỏe cho học sinh và tránh ùn tắc giao thông?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội về nội dung này. 

 

PV: Thưa bà, có nhất thiết phải khai giảng đồng loạt sáng 5/9 không khi mà điều kiện thời tiết và đặc thù mỗi địa phương, mỗi địa bàn và mỗi trường mỗi khác?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Việc Bộ GTĐT để ngày khai giảng cố định là ngày 5/9 cũng có cái lợi, vì đây là ngày đã sâu vào trong kí ức của nhiều thế hệ học trò, là ngày hội đến trường, rất náo nức.

Tuy nhiên, cần phải xét trên nhiều yếu tố như tính vùng ền. Ở vùng nông thôn, các trường đồng loạt khai giảng trong một ngày không có nhiều trở ngại, giao thông ở nông thôn cũng khá thuận tiện, địa điểm các trường cũng cách xa nhau. Nhưng ở thành phố thì thực sự là một bài toán khó. 

Thứ nhất, về giao thông, trẻ em thành phố đa phần có bố mẹ đưa đón, khi tổ chức đồng loạt khai giảng sẽ gây áp lực rất lớn về mặt giao thông. Thứ hai, về thời tiết, khí hậu trên toàn quốc cũng không tương đồng giữa các vùng ền.

Vì thế, tôi nghĩ ngày khai giảng có thể linh hoạt, có thể chia ra theo từng cấp học, Bộ GDĐT sẽ đưa ra một khoảng thời gian ấn định, từ đó tùy theo điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương để chọn ngày khai giảng.

Ngoài ra, các trường cũng muốn có ngày khai giảng lệch nhau, bởi trong ngày này các trường còn mời lãnh đạo địa phương đến để động viên nhà trường.

Ảnh nh họa

PV: Theo bà, để lễ khai giảng thực sự có ý nghĩa, tránh làm khổ thầy và trò việc khai giảng nên thực hiện thế nào?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Để ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa và trở thành kỉ niệm đẹp đối với các em học sinh chúng ta phải lấy học sinh làm trung tâm. Trong các hoạt động giảng dạy, chúng ta đều hướng đến việc lấy học sinh làm trung tâm, vậy thì phải làm ngay từ những hoạt động nhỏ nhất trong nhà trường.

Lễ khai giảng của chúng ta nhiều khi chưa chú ý đến đối tượng trung tâm, mà tập trung học sinh lại, bắt các em ngồi yên để nghe hết bài diễn văn nọ đến bài diễn văn kia, trong một không khí nặng nề, lê thê và các em cảm thấy rất mệt mỏi.

Đấy chưa phải là ngày khai giảng đúng nghĩa đối với bản thân các em, đây không phải là ngày để nhà trường phô trương thành tích mà là ngày tất cả các em được gặp lại nhau sau những ngày nghỉ hè. Các em cần được làm chủ mọi hoạt động, thầy cô chỉ hướng dẫn thôi, đương nhiên sẽ có phần nghi lễ, nhưng đừng quá rườm rà. Vì thế, chúng ta nên nghiên cứu làm sao ngày khai giảng thực sự là ngày hội đến trường của học sinh.

PV: Xin cảm ơn bà!

Trao đổi với VOVGT về hoạt động khai giảng năm học mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Lễ khai giảng cần thực hiện linh hoạt theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và từng nhà trường.

"Việc tổ chức khai giảng đồng loạt vào ngày 5/9 trong toàn quốc rất là tốt, tuy nhiên ở các trường, các địa phương khác nhau cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể của thời tiết để tổ chức lễ khai giảng phù hợp. Nếu hôm đó xảy ra mưa to gió lớn thì phải lùi lại, nếu nắng nóng thì có thể tổ chức khai giảng trong hội trường, với đại diện của các lớp, để đón các em lớp đầu cấp là chính.

Và đặc biệt khi khai giảng tổ chức rất ngắn gọn thôi để học sinh vào lớp, khỏi phải chịu nắng mưa, đọc những bài diễn văn lê thê dài dòng thì không nên, cần có nhiều cách linh hoạt, phù hợp", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến.