Kết nối đường sắt với sân bay: Liệu có khả thi?

Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa có 2 tính chất khác nhau. Việc nghiên cứu đường sắt kết nối với hàng không, cụ thể là sân bay Long Thành, chúng ta phải có nghiên cứu rất chi tiết về luồng khách, cả về số lượng, tâm lý tiêu dùng.

Hiện một số quốc gia  đã và đang triển khai mô hình kết nối đường sắt với sân bay, nhằm tối đa hóa lợi ích trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như giảm thiểu ô nhiễm khí thải. Tại Việt Nam, ngành GTVT TP.HCM mới đây cũng đã kiến nghị triển khai tuyến đường sắt nhanh kết nối TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Quân, Giảng viên Trường Đại học GTVT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cảng hàng không quốc tế Long Thành

PV: Thưa PGS-TS Lê Quân, việc triển khai mô hình kết nối đường sắt với sân bay trên thế giới có thực sự hiệu quả trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách?

PGS-TS Lê Quân: Giữa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa có 2 tính chất khác nhau. Hàng hóa thì luồng hàng ổn định, không đòi hỏi yếu tố ngặt nghèo.

Việc kết hợp phương thức vận giá rẻ, công suất lớn như đường sắt sẽ rất phù hợp với những loại hàng hóa có yếu tố thời vụ. Các nước châu Âu áp dụng hình thức đó để giảm thiểu phương tiện vận tải đường bộ gây ra ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tai nạn giao thông, nhưng để phục vụ vận tải hàng hóa giống như đường sắt đưa vào cảng biển.

Thực ra mà nói, các sân bay lớn thì chúng tôi không thấy có đường sắt kết nối. Ở Nga có 4 sân bay tại thủ đô Moscow nhưng đều không kết nối đường sắt. Sân bay Bắc Kinh không có, sân bay Bangkok, Thái Lan cũng không.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc triển khai mô hình kết nối đường sắt với sân bay tại Việt Nam?

PGS-TS Lê Quân: Thứ nhất, vận tải đường sắt là vận tải khối lớn, không có tính cơ động và đòi hỏi kết nối. Vận tải đường sắt đô thị thì đối tượng rất ổn định. Hành khách cơ bản là học sinh, sinh viên, các công nhân đi làm, giờ giấc cố định chuyến đi cố định, hành lý nhỏ gọn.

Thế nhưng, kết nối giữa đường giữa thành phố và sân bay thì đối tượng không đồng nhất, lượng khách biến động.

Thứ hai là bản thân cảng hàng không đã là một hệ thống kết cấu hạ tầng rất phức tạp, ga đường sắt cũng vậy, đòi hỏi một quỹ đất lớn, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật rất ngặt nghèo.

Vì vậy, việc nghiên cứu đường sắt kết nối với hàng không, cụ thể là sân bay Long Thành thì chúng ta phải có nghiên cứu rất chi tiết về luồng khách, cả về số lượng, tâm lý tiêu dùng.

Nếu không thì e rằng khó hiệu quả.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: