Kẻ Noi – Cổ Nhuế chung

VOVGT-Kẻ Noi xưa và Cổ Nhuế hôm nay luôn là vùng đất rộng lớn với nhiều ưu đãi và lịch sử hình thành vùng đất này cũng đã được ghi rõ trong thần tích của làng.

Cổ Nhuế - Nơi đô thị hóa mạnh mẽ và sớm nhất ở Hà Nội

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đến với phía tây kinh thành Thăng Long xưa và khám phá một trong những làng cổ rộng nhất, có nhiều truyền thống đặc trưng với tên gọi Kẻ Noi. Kẻ Noi xưa – nay là phường Cổ Nhuế, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 12km.

Với lợi thế là một phường có diện tích rộng lớn từ xưa, phường Cổ Nhuế trở thành nơi đô thị hóa mạnh mẽ và sớm nhất ở Hà Nội.

Quá trình đô thị hóa diễn ra trong khoảng 20 năm trở lại đây đã làm thay đổi diện mạo của Kẻ Noi xưa. Những câu chuyện thú vị về truyền thống, văn hóa, lịch sử và cuộc sống của người dân Kẻ Noi - Cổ Nhuế và trước hết hãy tìm hiểu về nguồn gốc tên gọi Kẻ Noi xưa và Cổ Nhuế ngày nay từ những chia sẻ hiểu biết của nhà văn Nguyễn Hiếu:

 

“Vùng Cổ Nhuế là vùng sình lầy, cách đây khoảng độ 2000 năm và cũng có tên là kẻ. Tại sao người ta gọi là Kẻ Noi vì dân làng họ rất hiểu biết về sình lầy nên có câu là lội ngòi noi nước, nên chữ noi dc giữ lại vì trước đấy vùng này là vùng sình lầy.

Khi người bắc đến thì họ định đồng hóa nhưng khó đồng hóa lắm, nên chữ Kẻ Noi người ta lấy lại từ chữ lội ngòi,noi nước. Còn Kẻ là giống như tiếng của làng, là tiếng nôm, là nơi cư trú, nên khi Kẻ Noi biến thành chữ Cổ Nhuế, nó giống như Chèm từ chữ Tờ-lèm thành Từ Liêm. Kẻ Noi cũng chuyển sang Cổ Nhuế là hán hóa chữ Kẻ Noi”.

Từ hơn 2000 năm trước, những nhóm người Việt cổ đầu tiên đã về vùng đất này định cư, sống bằng nghề trồng lúa nước và đánh bắt cá. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã đào được một số di vật dưới lòng đất ở đây như: rìu đá, hòn nghiền, hòn cà bằng đá, hòn gạch vuông có hoa văn trám lồng đời Hán (Trung Quốc), tượng cá hóa rồng thời Lý - Trần...

Kẻ Noi xưa và Cổ Nhuế hôm nay luôn là vùng đất rộng lớn với nhiều ưu đãi và lịch sử hình thành vùng đất này cũng đã được ghi rõ trong thần tích của làng. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, khách mời của chương trình cho biết:

 

“Cổ Nhuế còn gọi là Kẻ Noi. Cổ Nhuế ngày xưa đất làng là vô cùng rộng. Theo truyền thuyết, con trai thứ 5 của vua Lý có tên là Đông Chính Vương, sau khi nhận lệnh vua cha đi đánh quân Tống ở Lạng Sơn thì có đi qua Cổ Nhuế, người dân Cổ Nhuế rất cảm động, người già và dân làng ra đón tiễn, xin thưa là nếu không may Đông Chính Vương mất thì Cổ Nhuế xin được thờ.

Đông Chính Vương đồng ý nhưng với điều kiện có dâng lên để thờ thì chỉ là những thứ bánh đơn giản để cho binh sĩ ăn, không được thờ cái gì quá xa hoa. Sau này, khi Đông Chính Vương mất, trước khi mất có nói với người em là công chúa giúp cho làng này xây 1 ngôi đình. Bà này cấp đất và xây 1 ngôi đình rất lớn cho làng Cổ Nhuế, nên từ đó, dân làng Cổ Nhuế chuyển về sống quanh cái đình và đông đúc như ngày nay.

Người dân nơi đây ngày xưa vì có nghĩa, tình với nhà Lý nên khi công chúa – em gái của Đông Chính Vương về có cấp cho làng số ruộng rất lớn tới 1600 mẫu. Và bà cũng ra lệnh người dân Cổ Nhuế không phải nộp thuế trong suốt đời Lý, tức kéo dài trong 216 năm của đời Lý thì người dân không phải nộp thuế.

Khi triều Trần thay thế triều Lý, đất kinh thành rất rộng nên nhà Trần mới sai công chúa Túc Trinh đi về phía tây khai khẩn chỗ ruộng đất hoang đó. Công chúa Túc Trinh về khai khẩn và lập ra Viên trại, sau này là Cổ Nhuế viên. Bản thân người Cổ Nhuế được cấp rất nhiều đất nên cũng không làm hết nên nhà Trần khai khẩn, lập trang trại ở đây thì dấu tích còn lại chính là Cổ Nhuế viên”.

Làng Cổ Nhuế ngày nay

Đến với Cổ Nhuế ngày nay, vẫn tìm thấy nhiều di tích lịch sử, đình, đền chùa ghi dấu tích của làng, đặc biệt tại thôn Viên- nay là phường Cổ Nhuế 2. Ông Chu Văn Mão, một người dân cao niên tại đây cho biết:

 

“Trước đây chưa có thôn Viên này mà chỉ có 3 thôn trên thôi, thôn này lập sau từ thời bà Túc Trinh công chúa về đây cách đây 750 năm thì mới lập ra xóm này gọi là xóm vườn. Viên là vườn mà, thì mới có đất, có dân ở thì mới làm đình. Bà ấy về đây khẩn hoang cánh đồng Cổ nội là Cổ Nhuế và Yên Nội”.

Là nơi có địa thế rộng và cách trung tâm Hà Nội không xa, Cổ Nhuế trở thành nơi đô thị hóa sớm và mạnh mẽ nhất của thủ đô. Hiện nay, để đảm bảo cho công tác quản lý hành chính, phường Cổ Nhuế được chia tách thành 2 phường là Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2. Ông Chu Văn Hòa- trưởng tiểu ban quản lý di tích đình Viên cho biết:

 

“Trước đây xã Cổ Nhuế có 4 thôn, chia thành 7 tổ dân phố, sau đó đến 1/4/2014 thì chia tách phường thì thành 2 phường là phường Cổ Nhuế 1, Phường Cổ Nhuế 1 ăn 1 nửa tính từ đường Phạm Văn Đồng hắt trở ra viện E, ăn lên đến đường K3, P.Cổ Nhuế 2 tính 1 nửa từ đường Phạm Văn Đồng xuống dưới này.

Trước đây xã có khu đô thị đầu tiên phát triển, sau đó có các dự án của thành ủy Hà Nội, hiện giờ dân cư của phường Cổ Nhuế 2 là trên 4 vạn người. Khi chia tách phường ra thì chia thành 24 tổ dân phố, đấy là Cổ Nhuế 2, còn Cổ Nhuế 1 có 20 tổ dân phố. Trước đây xã Cổ Thuế thôn Viên thì nói thật vắng vẻ lắm, không đông, như các cụ nói rồi xuống đến xóm vườn ngày trước thì nhà cửa thưa thớt, đất rộng lắm, nhưng sau đấy xu hướng phát triển kinh tế thì các gia đình bán đi 1 phần để xây dựng nhà cửa cho con cái nên dân đến đây mua đất nhiều.

Nói thật, đất ở đây đãi ngoại nên mọi người đến đây đều sung túc, cuộc sống không phải như ngày xưa phải đi vay đi mượn gì. Tuy rằng ở đây đô thị hóa rất nhanh, các dự án đều về đây và dân tình đến nhiều nhưng cuộc sống không thay đổi, càng ngày càng phát triển thôi”.

Với diện mạo chịu tác động nhiều từ quá trình đô thị hóa nhưng đến với Cổ Nhuế hôm nay, chúng ta vẫn tìm lại được nhiều dấu tích lịch sử từ các đình, đền, chùa cổ. Đó là điểm sáng về văn hóa tại Cổ Nhuế được Nhà văn Nguyễn Hiếu đánh giá cao:

 

“Ở làng Kẻ Noi chỉ có 1 con đường độc đạo, ngày xưa làng Noi có thể nói là 1 làng có nhiều di tích lịch sử lắm, là quần thể của rất nhiều đình và chùa với 2 đình khá nổi tiếng là đình thờ con trai vua là hoàng tử Đông chinh Lý Công Lộc – con trai của vua Lý Công Uẩn, được thờ thành hoàng của làng.

Đến thờ thứ 2 cũng lớn, thờ túc trinh công chúa, còn chùa cũng khá nhiều. Có chùa Mốc, chùa Sùng Quang xây từ thời Lý, cầu đá, giếng cổ… Có lẽ cho đến bây giờ làng Cổ Nhuế bị mai một rất nhiều vì đô thị hóa, nhà cao tầng, nhà ống xây dựng rất nhiều nhưng những chùa chiền họ vẫn giữ được rất tốt”.

Hội làng Cổ Nhuế

Mảnh đất Kẻ Noi đãi ngoại và cũng chính vì thế mà cuộc sống người dân Cổ Nhuế cũng thích nghi rất nhanh với đô thị hóa và hiện đại hóa hiện nay. Bên cạnh việc duy trì truyền thống, người dân Cổ Nhuế cũng tự hào với sự phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình:

 

“Nhất là địa phận phường Cổ Nhuế 2 bây giờ dân tình đến ngày 1 đông, số dân để mà chính thức ở đây thì so với số dân ở nơi khác đến thì chỉ chiếm tỉ lệ 1/3 vì thực tế nhân dân ở địa phương khác đến đây rất đông. Chúng tôi vẫn duy trì được truyền thống của nhân dân xã Cổ Nhuế ở đây nên mọi sinh hoạt ngày 1 tốt lên chứ không ảnh hưởng gì về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa văn nghệ thể dục thể thao”.

“Ở địa phương sau khi phát triển nghề may rộng hơn, nền kinh tế phát triển thì các gia đình cũng đầu tư cho con cái học hành ở những trường có tiếng 1 tí cho thế hệ sau phát triển hơn, sau này khi nghề may xuống 1 tí thì trong dân Cổ Nhuế này phát triển đa ngành nghề, nên nền kinh tế địa phương từ khi đổi mới đến giờ là luôn thay đổi”.

“Ở đây các phong trao người cao tuổi tham gia để bảo vệ sức khỏe của mình thì đều đặn lắm, cho nên các cụ ở đây rất thoải mái, thỉnh thoảng lại được ở trên cử bác sĩ về tư vấn sức khỏe, cho nên ở đây các cụ hoạt động tốt lắm”.