Ít nhất 50% trẻ em đang phải sống trong khói thuốc

Khói thuốc lá chứa hơn 7 nghìn hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Tỷ lệ hút thuốc lá tại nơi công cộng và trong gia đình vẫn ở mức cao. Có tới 50% trẻ em bị phơi nhiễm khói thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển về lâu dài của các em.

Khoảng 9h sáng, khu vực trước cổng một trường tiểu học trên địa bàn quận Hà Đông, có ít nhất 7 người đàn ông liên tục rít thuốc trong lúc chờ đón con sau buổi lễ bế giảng. Cách đó vài trăm mét, trong mấy quán cà phê ồn ào, nhiều người vô tư nhả khói thuốc dù xung quanh đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em.

Anh Thắng ở Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) phản ánh: 'Ở những quán cà phê hoặc những nơi công cộng có rất nhiều người hút thuốc lá.

Mình cũng là người khỏe như thế này ngửi mùi thuốc là cũng không chịu được, huống chi là các cháu nhỏ, những người phụ nữ đang có em bé thì cực kỳ nguy hại'.

Trẻ em dễ mắc bệnh khi hít khói thuốc thụ động. Ảnh nh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

Ngay tại nhiều gia đình, khu dân cư, không khí cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi thói quen hút thuốc là của nhiều người trưởng thành và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng chính.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Bác Nguyễn Văn Trọng, Nguyên chủ nhiệm quân y, Bộ Tư Lệnh quân khu Hà Nội dẫn chứng: 'Tôi có một chú trợ lý nghiện hút thuốc lá. Hai đứa con của chú lần lượt đi cấp cứu vì bị viêm tắc phế quản. Vào nhà chú ý như một đống rơm, hút kinh khủng luôn. Nhưng khuyên chú, chú cũng không bỏ'.

Một số chuyên gia cho biết, thời gian qua, chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá ở các cấp đã triển khai nhiều hoạt động, việc hút thuốc tại các cơ sở y tế, các bến xe, phương tiện giao thông công cộng giảm mạnh nhất xuống dưới 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá tại các nhà hàng, quán bar và trong gia đình giảm nhưng chậm, trung bình giảm khoảng 3% trong 5 năm, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Văn Hiệp, Nguyên Thường trực Ban chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Sở Y tế TP.HCM đưa ra cảnh báo về những hệ lụy của người hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là đối với  trẻ em: 'Tác hại đối với trẻ có thể ngay từ lúc bào thai như thai chậm phát triển, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhũ nhi, nguy cơ vào cơn hen, nguy cơ viêm tai giữa tái diễn, viêm phế quản cấp, giảm chức năng phổi…

Tóm lại trẻ sẽ bị nhiều bệnh hơn và bệnh tái phát nhiều lần, bệnh nặng hơn, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu phải hít phải khói thuốc lá'.

Nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của khói thuốc đối với con cái, chị Nguyễn Thị Hằng, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã nhiều lần động viên chồng bỏ thuốc lá, nhưng đến nay sau hơn 10 năm, tình hình không có sự thay đổi: 'Từ hồi mới lấy nhau bảo anh bỏ thuốc. Anh bảo khi nào có con thì bỏ, nhưng bây giờ con lớn rồi, vẫn chưa bỏ. Bản thân người ta không muốn thì khó lắm, người trong gia đình cũng chỉ là một phần'.

Thói quen hút thuốc lá của các bậc phụ huynh không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nhỏ mà còn ảnh hưởng đến tư duy và sự phát triển về tính cách của trẻ trong tương lai. Nhiều trẻ có xu hướng sử dụng thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử khi lớn lên. Bởi vậy, rất cần xây dựng được môi trường trong lành từ mỗi gia đình mà trước tiên là sự thay đổi thói quen sử dụng thuốc lá của người lớn.