Hơn 950 tỷ đồng nâng cấp 28,8km tuyến đường Cao Lãnh - Lộ Tẻ

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ra Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ để tổ chức lại giao thông.

Ảnh nh họa

Mục tiêu của Dư án nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến trục dọc phía Tây của khu vực, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư trong vùng Đồng Bằng sông Cửu Long; từng bước nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hơp quy hoạch được duyệt.

Tuyến đường thuộc Dự án có điểm đầu tại nút giao An Bình (giao cắt với Quốc lộ 30 tại Km 31+103 – thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (thuộc địa phận TP. Cần Thơ), với tổng chiều dài tuyến khoảng 28,8km.

Theo Quyết định của Bộ GTVT, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, các yếu tố hình học của tuyến đường về cơ bản giữ nguyên theo hiện trạng đã được đầu tư.

Dự án sẽ tập trung trải thảm, tăng cường mặt đường bê tông nhựa để đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến và phù hợp với các dự án trong khu vực; xây dựng nút giao khác Lộ Tẻ; xây dựng hệ thống đường gom dân sinh tại một số đoạn để tổ chức lại giao thông trên tuyến; xây dựng hàng rào dọc hai bên tuyến và sơn phân làn, bố trí biển báo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án là 950 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn giao chủ đầu tư bước lập dự án đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ đạo tư vấn thu thập đầy đủ số liệu khảo sát để xác định cường độ mặt đường yêu cầu; nghiên cứu các phương án thiết kế nút giao Lộ Tẻ đảm bảo tính kinh tế-kỹ thuật; kiểm tra, rà soát và làm việc với các địa phương để chuẩn xác phạm vi, tải trọng thiết kế các công trình trên đường gom, đảm bảo kết nối thuận tiện cho người dân trong khu vực dự án, phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn vốn.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng sẽ phải chỉ đạo tư vấn căn cứ khối lượng theo hồ sơ thiết kế, rà soát, cập nhật định mức, đơn giá hiện hành theo quy định; rà soát chặt chẽ về khối lượng xây dựng, biện pháp thi công, nguồn cung cấp vật liệu, đơn giá, định mức xây dựng; tính toán chi phí dự phòng, trượt giá trên cơ sở chỉ số giá xây dựng, tiến độ thực hiện dự án theo quy định... làm cơ sở xây dựng tổng mức đầu tư của dự án.