Hôm nào ngồi với nhau tí nhỉ?

“Hôm nào ngồi với nhau tí nhỉ?!” – Câu nói này bạn có thấy quen không? Vâng, với bạn có thể là không, nhưng đối với một số người, đó gần như là câu cửa miệng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Phải nói ngay rằng sự thân tình là tốt, thậm chí là rất tốt, giúp anh em bạn bè gần nhau, hiểu nhau, bởi không phải chuyện gì cũng nói được qua mạng. Và khi những sự tương tác “ảo” đã nhàm, người ta có xu hướng tìm về tương tác trực tiếp nhiều hơn.

Những cuộc gặp cũng không hẳn chỉ chuyện tào lao. Nó còn gợi mở cho nhau nhiều vấn đề trong công việc, trong cuộc sống.

Mặc dù trong các cuộc gặp ấy, ăn uống chỉ là cái cớ, nhưng dù sao, nó cũng góp phần kích cầu cho ngành dịch vụ. Vì nếu ai cũng ăn ở nhà, thì hàng quán bán cho ai? Phần đóng góp cho nền kinh tế của khối này chắc chắn sẽ sụt đi trông thấy. Hơn nữa, “liên hoan” cũng chỉ là cách gọi nôm na thôi, chứ không phải lúc nào cũng đúng về bản chất.

Thời dịch bệnh, khi sự thận trọng đang được đẩy cao, thì thông tin về trường hợp nào đó liên tiếp tham gia các cuộc “liên hoan”, cộng thêm cách đặt tít giật gân của một vài trang điện tử khiến cư dân mạng “sôi” lên, cũng là phản ứng thường tình.

Nhưng nếu đặt trong sự phổ biến của câu nói: “Hôm nào ngồi với nhau tí nhỉ?!”, sẽ thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Thậm chí, với người có vị trí, lại quảng giao, thì riêng dịp sinh nhật thôi cũng đã gặp gỡ chúc mừng lai rai cả tháng!

Tất nhiên, những cuộc “ngồi với nhau” nếu quá dày sẽ khiến bạn chẳng có thời gian dành cho người thân, khiến nhịp sinh hoạt bị xáo trộn, khiến tần suất sử dụng bia rượu nhiều hơn, và thực đơn thiếu cân bằng. Chưa kể trong điều kiện dịch bệnh, lại càng gia tăng rủi ro lây nhiễm.

Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng từ chối hoặc còn chủ quan nên một số người vẫn cứ sẵn sàng “ngồi với nhau” và ngồi khá thường xuyên, mà phớt lờ hoặc phó mặc hên xui trước các nguy cơ đe dọa.

Do đó, thay vì tỏ thái độ về cái tần suất “liên hoan” quá dày của người khác, có lẽ đây là lúc mỗi chúng ta nên nhìn lại các ưu tiên và lựa chọn của mình. Sức khỏe, gia đình, hay những thân tình ngoài xã hội? Từ chối chân thành hay ễn cưỡng nhập cuộc để rồi cùng mang nguy hiểm đến cho nhau?

Chỉ trích không giúp cải thiện tình hình, và đừng suy diễn khi ta không biết thực hư bối cảnh. Quan trọng là, qua mỗi sự việc đó, trông người để ngẫm lại ta.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 20/8 tại đây: