Hồi hộp chờ đẻ trong mùa dịch

Phụ nữ mang thai nằm trong nhóm yếu thế, dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong diễn biến dịch phức tạp hiện nay, việc lựa chọn phòng khám, cơ sở sinh con cũng là nỗi lo lắng chung của không ít bà bầu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cứ mỗi một giai đoạn dịch khác nhau, chị Hoàng Thị Xuân (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), mang thai được hơn 30 tuần, lại lên một phương án đi khám mới.

Khi dịch bệnh chưa bùng phát đợt thứ tư, chị Xuân chọn kiểm tra thai ở phòng khám tư, nhằm tránh phải xếp hàng chờ đợi cũng như tụ tập đông người ở các bệnh viện công.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 5 đến nay, chị vào bệnh viện 108 trung ương khám định kỳ và làm hồ sơ sinh. Lý giải về sự thay đổi này, chị Xuân cho hay: “Bây giờ các bệnh viện từ chối nhận bệnh nhân chuyển tuyến nên cũng đỡ đông hơn. Bác sĩ nói tôi và chồng cần xét nghiệm COVID-19 để được nhập viện và làm thủ tục khi đẻ. Vì đảm bảo phòng dịch nên chỉ có 1 người được vào trông. Tôi thấy quy định chặt như vậy khá yên tâm”

Ảnh nh họa

Trong khi đó, chị Bùi Hà Trang, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mang thai tuần thứ 27, lựa chọn dịch vụ đẻ trọn gói ở một bệnh viện tư. Điều này cho phép chị được ưu tiên khi đến đẻ, như phục vụ riêng, xe đưa đón đi về riêng: “Sẽ có những tuần không quan trọng thì mình cân nhắc ở nhà, vì đến bệnh viện khá là nguy hiểm, riêng việc đi thang máy đã tiếp xúc với rất nhiều người rồi. Nhưng những tuần quan trọng thì bắt buộc phải đi”

Thai phụ Phạm Lan Phương có một cách để đưa ra lựa chọn phòng khám, cơ sở đẻ tối ưu, đó là nhờ tư vấn trên các hội nhóm mạng xã hội. Theo chị, ở Hà Nội giờ không thiếu các cơ sở sinh nở tốt và có phân luồng, phòng dịch hiệu quả. Tuy nhiên vẫn phải thận trọng vì thỉnh thoảng, lại có một vài cơ sở để lọt ca bệnh COVID-19.

 “Xem ở đâu người ta có biện pháp phòng dịch tốt nhất tôi sẽ đi. Vì đã tham khảo rất nhiều ý kiến của các mẹ bầu, như là đeo 2 khẩu trang khi đi, tránh tiếp xúc gần, trước khi vào khám phải xem qua bên đó có trang bị dịch đầy đủ không thì mới bước vào, còn không thì cũng quay ra luôn”, chị Phương cho biết.

Chuyên gia sản nhi, bác sĩ Nguyễn Vũ Hải cho rằng, các sản phụ có thể hoàn toàn yên tâm vì hầu hết các cơ sở có dịch vụ sản nhi đều đã được tập huấn công tác phòng chống dịch. Thậm chí, trong trường hợp sản phụ sinh nở trong khu cách ly, các nhân viên y tế cũng sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực: “Các sản phụ nhập viện tại khu cách ly đều không có người nhà, nên bản thân nhân viên y tế, nữ hộ sinh, điều dưỡng vừa làm chuyên môn, vừa làm người nhà, người thân để chăm sóc sản phụ, em bé khi chào đời. Làm sao các cháu đảm bảo sức khỏe tốt nhất, mẹ bé được chăm sóc điều kiện tốt nhất”.

Bác sĩ Hải cũng đưa ra 4 khuyến cáo quan trọng để các sản phụ đảm bảo an toàn trong mùa dịch:

“Điều quan trọng nhất là tuân thủ 5K của chính phủ để đảm bảo phòng dịch. Thứ hai, chúng ta tiếp tục khám, quản lý thai ở các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện phòng dịch. Thứ ba, sản phụ cần tích cực ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Thứ tư, cần theo dõi sức khỏe em bé thông qua đếm cử động thai hàng ngày, đây là cách tốt nhất để theo dõi em bé trong bụng. Đủ 40 tuần, đến ngày dự sinh, sản phụ nên đến bệnh viện theo dõi và chờ sinh”

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các cơ sở y tế không đảm bảo tiêu chí bệnh viện an toàn sẽ bị dừng hoạt động ngay lập tức. Hàng loạt biện pháp giảm tối đa số người vào viện đã được thực hiện như không nhận bệnh nhân chuyển tuyến lên, phát thuốc cho người bị bệnh mãn tính tối đa lên 3 tháng, dừng thăm nom bệnh nhân.

Do đó, các sản phụ được tư vấn không nên quá lo âu, ảnh hưởng sức khỏe bản thân và thai nhi, cần chuẩn bị tâm lý tốt cho bản thân và người nhà, để việc sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: