Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL

Ngày 26/5, Phòng thương mại và Công nghiệp TP. Cần Thơ, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức diễ đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, mâu thuẫn với đóng góp về hàng hoá của vùng.

Mặc dù có đủ các loại hình vận tải “sông - biển - bộ - hàng không” nhưng hệ thống cho logistics khu vực này lại thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái ở TP.HCM và Cái Mép-Thị Vải của Bà Rịa-Vũng chuyển Tàu gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) 13 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 1,461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước.

Trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp thuỷ sản tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chỉ đạo tại diễn đàn

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), đến nay ĐBSCL đang được đặc biệt quan tâm. Dự kiến trong 3 - 5 năm nữa sẽ có cao tốc thông suốt từ TP.HCM tới Cần Thơ, rồi Cà Mau, Châu Đốc (An Giang); Luồng Định An sẽ được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL hình thành. Đó sẽ là “thời cơ vàng” thứ 2 cho ĐBSCL trong 2 thập niên qua, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Để phát triển logistics trong bối cảnh canh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa với hệ thống kho bãi, môi giới hải quan, công nghệ vận tải đường bộ, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.     

Các đại biểu đã thăm quan Cảng Hậu Giang thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vào chiều ngày 25-5

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thiếu tính kết nối và không có doanh nghiệp lớn đầu đàn. Do đó mặc dù hiện nay 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước làn sóng đẩy mạnh hoạt động mua lại và sáp nhập thì các doanh nghiệp logistics nhỏ của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn.

Vì vậy phát triển các trung tâm logistics lớn, với các doanh nghiệp đủ tiềm lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Việt Nam là rất cần thiết hiện nay. Hiện nay Cần Thơ, Long An, Hậu Giang đang quy hoạch các trung tâm logistics tại từng địa phương.

Tuy nhiên cần đảm bảo tính kết nối của các trung tâm này với nhau và với Trung tâm Logistics TP.HCM.