Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn

VOVGT - Ngày 12/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sự kiện là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, là cơ hội giúp kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với những kênh phân phối hiện đại và người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm đã trở thành tâm điểm của xã hội khi liên tiếp xảy ra các vụ việc như rau chứa tồn dư thuốc trừ sâu, hoa quả ngâm hóa chất… đã và đang gây hoang mang cho người tiêu dùng. Chính vì thế, việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm sạch, an toàn đối với doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thái Sơn

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh:

 

"Cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm, mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần chú trọng tới việc xây dựng và phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn. Đây sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định tạo nên sự thành công của mỗi doanh nghiệp đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng".

Trong khi đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương cho rằng, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn cần được chú trọng hơn nữa.

 

"Cần có sự vào cuộc, một là của các cơ quan quản lý nhà nước về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các chủ doanh nghiệp và tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động sản xuất cho các doanh nghiệp để họ nắm được những kiến thức cơ bản, tối thiểu để làm thế nào sản xuất ra được thực phẩm an toàn. Thứ hai nữa là cần có sự hỗ trợ kết nối cung cầu cho họ về các công nghệ bảo đảm vệ sinh thực phẩm, có những chương trình tư vấn cho các doanh nghiệp để họ áp dụng những hệ thống quản lý tiên tiến nhất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".

Nhằm đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin về thị trường, các mặt hàng thế mạnh của các địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân, trong thời gian tới, phía Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu về sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho doanh nghiệp thông qua hệ thống phân phối trong nước.

Bà Lê Việt Nga cho biết thêm:

 

"Trong năm 2018, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng ền, Bộ Công thương tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng ền tại hệ thống các siêu thị lớn. Mở đầu chuỗi các hoạt động là sự kiện Tuần lễ cá sông Đà tại hệ thống của Central Group-Siêu thị Big C Việt Nam vào tháng 6 vừa qua".

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gắn liền với vấn đề an toàn thực phẩm. Ảnh: Thái Sơn

Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cũng như các kinh nghiệm xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu trữ, bảo quản đến phân phối.

Bên cạnh đó, ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, phân phối thì một yếu tố cần được đặc biệt coi trọng là vấn đề truyền thông về an toàn thực phẩm của doanh nghiệp.

Cần nh bạch thông tin để khách hàng hiểu và dần có niềm tin với doanh nghiệp đồng thời cũng nên tiếp cận, gần gũi với người tiêu dùng, giải quyết tận cùng các khiếu nại, tránh những thông tin sai sự thật tràn lan ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp.