Hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy hàng hóa Việt Nam phát triển

VOVGT-Cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động ngày 31/7/2009 nhằm phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Doanh nghiệp Việt được hỗ trợ sẽ thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa trong nước

Cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động vào ngày 31/7/2009. Đối tượng của Cuộc vận động là tất cả người Việt Nam, các doanh nghiệp, và cả hệ thống chính trị đều phải tham gia hưởng ứng lời kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhằm phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong tiêu dùng, sử dụng hàng hoá Việt Nam.

Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương đã nỗ lực triển khai những hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, đồng thời phát huy tính tự lực tự cường, sản xuất ra hàng hoá để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân, và phát triển nền kinh tế của đất nước, của mỗi doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, khi chúng ta đã gia nhập WTO, chấp nhận 1 sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thì cần phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm, hàng hóa nước ngoài ở thị trường trong nước.

Về vấn đề này, bà Trương Thị Nguyệt Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chúng tôi cũng đề ra yêu cầu phải giám sát các mặt hàng nước ngoài để ngăn chặn tình trạng các hàng ngoại nhập cùng chất lượng, cùng phẩm cấp nhưng với xu hướng hội nhập của nền kinh tế thì những mặt hàng đó có nguy cơ bán phá giá ở thị trường Việt Nam.

Bà Trương Thị Nguyệt Ánh cho biết thêm, với vai trò là cơ quan thường trực thì Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành trung ương tới địa phương, để tạo ra được 1 hành lang đảm bảo, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh được với hàng hóa của các nước ngay tại thị trường Việt Nam.

Khi gia nhập WTO, rõ ràng nếu không có sự hỗ trợ, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hỗ trợ thế nào để không vi phạm sự công bằng của cuộc chơi quốc tế, bà Ánh cho rằng: Chính vì vậy không thể bằng các rào cản kỹ thuật như thuế, hải quan được nữa, mà sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong nước đó là bằng cách cải cách thủ tục hành chính từ chính quyền các cấp để làm sao các thủ tục thành lập doanh nghiệp được nhanh chóng nhất, thuận lợi nhất. Để cho những người có điều kiện, có ý chí đầu tư, muốn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh thì người ta có điều kiện thành lập doanh nghiệp 1 cách thuận lợi.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những văn bản đảm bảo tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua quy chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của các DN. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố phải thường xuyên cập nhật thông tin trên trang web của các địa phương, cũng như các ngành các ngành trên địa bàn để các DN có thể trao đổi, kiến nghị, phản ánh tâm tư, vướng mắc và trả lời DN trong thời gian sớm nhất.

Bà Trương Thị Nguyệt Ánh chia sẻ: Chúng tôi vui mừng mỗi phiên họp của Chính phủ hằng tháng thì Văn phòng Chính phủ đều có tập hợp đánh giá việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Đây cũng là 1 hình thức hỗ trợ để các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, và chính vì vậy tác động hỗ trợ rất hiệu quả cho các DN trong nền kinh tế hiện nay. Và đó cũng là góp phần thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 5 vừa qua, Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về phát triển DN nhỏ và vừa, đây cũng chính là sự quan tâm của Đảng để DN nhỏ và vừa trong nước có cơ hội phát triển và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển một cách tự cường.