Hồ sơ 114: Chú trọng phòng cháy kho hàng, nhà xưởng trong khu dân cư

Cơ sở sản xuất, kho hàng, nhà xưởng là nơi sản xuất, lưu trữ và bảo quản các loại hàng hóa, nhưng lại rất dễ phát sinh nguy cơ về cháy nổ. Thực tế hiện nay cho thấy, công tác PCCC và CNCH tại nhiều cơ sở sản xuất, kho hàng, nhà xưởng trong khu dân cư còn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại một kho hàng trong khu dân cư

Hiện trong các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ như: phụ tùng ô tô, xe máy, gỗ, may mặc, các mặt hàng gas, xăng dầu, hóa chất… Tuy lượng hàng hóa nhiều, lại thường xuyên tập trung đông người, nhưng không phải chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cũng chấp hành tốt các quy định về PCCC và thoát nạn.

Từng chứng kiến một vụ cháy kho hàng ngay trong khu dân cư, ông Trần Văn Minh – người dân sinh sống tại Hà Nội nhớ lại: “Đầu tiên tôi chỉ thấy khói, tôi lên sân thượng để lấy vòi xả nước vào hỗ trợ người ta; nhưng lửa bốc to quá nên tôi chủ động đóng cửa rồi chạy ra ngoài thoát nạn”.

Ghi nhận trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), qua nhiều đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với kho chứa hàng hóa thuộc các đơn vị doanh nghiệp, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã chỉ ra những nguy cơ trực tiếp lẫn gián tiếp có thể dẫn đến cháy, nổ với nhóm đối tượng này.

Đặc biệt, theo Trung tá Trương Tuấn Vinh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội), tại một số cơ sở sản xuất, kho hàng, việc sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn với nguồn điện, nguồn nhiệt, lấn chiếm hành lang an toàn, gây khó khăn cho lực lượng PCCC:

“Khó khăn đầu tiên là vấn đề giao thông, các kho xưởng đa phần nằm trong khu dân cư, trong các ngõ ngách nên xe chữa cháy rất khó tiếp cận. Các kho xưởng đa phần là tự phát hoặc tận dụng nhà dân nên để bảo đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, như: lối thoát hiểm, thông gió, thoát khói... gần như chưa đầy đủ".

Công an Q. Cầu Giấy hướng dẫn công tác phòng chống cháy nổ cho người dân

“Và lực lượng dân phòng, chữa cháy tại chỗ nếu không được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng hộ thì rất khó để tiếp cận, làm nhiệm vụ. Ngoài ra, trong các khu dân cư, nguồn nước lớn như trụ nước, bể nước chữa cháy thì gần như không có”, Trung tá Trương Tuấn Vinh cho biết thêm.

Công an quận Cầu Giấy nhận định, để giải quyết những vấn đề này, ngoài việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở nhà kho, xưởng sản xuất thực hiện tốt công tác PCCC, kiên quyết xử lý, đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm các quy định an toàn PCCC, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ PCCC cho các cơ sở này, làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở, nâng cao kiến thức PCCC cho người đứng đầu, người lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu – Cửa hàng trưởng của một hệ thống kinh doanh xe máy trên địa bàn Q. Cầu Giấy, sau khi được lực lượng PCCC tuyên truyền về các nguy cơ cháy nổ, cơ sở đã chủ động niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt.

“Chúng tôi cũng được UBND phường hướng dẫn về NĐ136 của Chính phủ về công tác PCCC, chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở cơ sở các quy định về phòng cháy, để đảm bảo an toàn trong phạm vi kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu chia sẻ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ

Bên cạnh đó, Trung tá Trương Tuấn Vinh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đưa ra những khuyến cáo để đảm bảo an toàn cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho xưởng trong khu dân cư: “Đối với các chủ kho xưởng, cần thường xuyên nâng cao ý thức PCCC, thường xuyên tự kiểm tra, luôn chấp hành tốt quy định an toàn PCCC; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa phải đảm bảo phải gọn gàng, có lối thoát nạn, đảm bảo được khoảng cách an toàn với nguồn lửa, nguồn nhiệt”.

Trung tá Trương Tuấn Vinh cũng lưu ý: “Luôn đảm bảo, sẵn sàng các trang thiết bị chữa cháy và thiết bị phòng hộ tại chỗ, không để cho đám cháy bùng phát lớn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đặc biệt, người đứng đầu cơ sở luôn phải chủ động xây dựng các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ để nếu xảy ra cháy nổ mà chúng ta chưa khống chế được, thì có thể đưa mọi người ra ngoài một cách an toàn nhất”.

Trong thời gian tới, lực lượng  Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC tới người dân, các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn cứu hộ; duy trì hoạt động lực lượng tại chỗ, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, chủ cơ sở đối với công tác PCCC, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.