Hiệu quả từ các mô hình 'Điểm bán hàng Việt Nam'

VOVGT - Các điểm bán hàng Việt đã góp phần nâng cao sức mua cũng như khơi dậy lòng tự hào, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam với các sản phẩm trong nước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sau 3 năm triển khai, Bộ Công Thương đã xây dựng hơn 90 điểm bán hàng Việt Nam tại 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những điểm bán hàng này ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao sức mua cũng như khơi dậy lòng tự hào, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam với các sản phẩm trong nước.

Điểm bán hàng Việt Nam là nơi phân phối hàng hóa chính hãng đến người tiêu dùng. Ảnh: Tạp chí Công thương

Nhằm mục tiêu phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh thành phố thực hiện xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm…và thực hiện sự giám sát của Sở Công thương.

Sau 3 năm triển khai, mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng tốt trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, qua đó, tạo điều kiện cho người dân các địa phương được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao sản xuất trong nước.

Nói về hoạt động này, bà Trần Ngọc Mai – Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương tỉnh Hòa Bình cho biết:

 

"Các Điểm bán hàng Việt Nam cố định sẽ trở thành địa chỉ mua sắm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng cho đông đảo người tiêu dùng, từng bước tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. Từ đó tạo sức hút để các doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng Việt đáp ứng nhu cầu của nhân dân".

Đối với một tỉnh ền núi như tỉnh Hòa Bình, thu nhập dân cư còn ở mức thấp, giao thông đi lại khó khăn, ở địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa chưa phát triển hệ thống kênh phân phối uy tín. Do đó, các Điểm bán hàng Việt ra đời không chỉ nhằm quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, phát triển doanh nghiệp Việt mà còn là nơi giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm trong nước đảm bảo chất lượng.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Hòa Bình cho biết thêm:

 

“Sau một thời gian triển khai xây dựng 02 mô hình Điểm tại huyện Lạc Sơn và Đà Bắc, cả 02 cửa hàng được lựa chọn làm mô hình Điểm vẫn duy trì tốt hoạt động kinh doanh, thu hút ngày càng nhiều khách, bình quân mỗi ngày gần trăm lượt người đến thăm quan, mua hàng, doanh thu tăng so với trước. Khách hàng đến mua sắm đều có chung tâm lý yên tâm, không lo mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng”.

Các điểm bán hàng Việt đã trở thành địa điểm mua sắm quen thuộc của người lao động. Ảnh: Báo Công thương

Theo khảo sát các địa phương, điểm bán hàng Việt ra đời đã bước đầu đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì lựa chọn sử dụng các mặt hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây, nhằm tăng thêm uy tín cho hàng Việt, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, kích thích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước.

Về kế hoạch trong thời gian tới, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết:

 

“Dự kiến hết năm 2018 sẽ thiết lập được khoảng 100 Điểm bán hàng Việt tại 59 địa phương trên cả nước. Mục tiêu trong thời gian tới mà Điểm bán hàng Việt tiến tới là điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch”.

Có thể nói, các “điểm bán hàng Việt Nam” đã thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc giúp nguời dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt đa dạng, phong phú và chất lượng, những điểm bán hàng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, từ đó tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn, để đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người Việt Nam.