Hiệp hội vận tải Hà Nội 'hiến kế' thu thuế xe limousine, xử lý xe dù bến cóc

Giao thông công chính chỉ có quyền kiểm tra tĩnh ở các bến bãi thôi, khi thấy bóng áo xanh của thanh tra, các tài xế cho xe chạy mất hút, không kiểm tra được.

Hiệp hội vận tải Hà Nội vừa có đơn kiến nghị 6 nhóm giải pháp về quản lý xe hợp đồng, trong đó trọng tâm là làm thế nào để dẹp vấn nạn “xe dù bến cóc”. 

Trao đổi với PV VOVGT, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, chia sẻ rõ hơn về các kiến nghị.

 

PV: Bên cạnh nhiều đề xuất táo bạo như chuyển giao đầu tư hạ tầng giao thông từ Bộ GTVT sang Bộ Xây dựng; giao thanh tra giao thông về Bộ Công an; Tạm dừng quy hoạch các bến xe ra xa trung tâm thành phố, Hiệp hội vận tải Hà Nội mới đây cũng kiến nghị áp dụng tính thuế xe hợp đồng theo phương pháp “ấn định”?

Ông Bùi Danh Liên: Có thể nói, loại hình vận tải hàng hóa, vận tải xe khách tuyến cố định thì hiện nay nhà nước thu được thuế.

Riêng với xe vận tải hợp đồng, quy định ghi rõ, không được bán vé, mà phải xuất vé thông qua một đơn vị, doanh nghiệp. Nhưng limousine giả danh xe hợp đồng bắt khách dọc đường; hoặc quy tụ khách ở một số điểm thì cả chuyến đi từ A đến B, khách bỏ tiền trực tiếp cho nhà xe mà không có chi phí gì về bến bãi.

Chúng tôi cho rằng, đối với xe limousine giả danh hợp đồng, nhà nước phải thu thuế ngay từ gốc. Anh đã mua xe, đăng ký kinh doanh vận tải thì phải nộp thuế.

Đó là một kẽ hở gây thất thu cho nhà nước, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Hà Nội. Ảnh nh họa: Báo Công luận

PV: Vậy còn vấn đề bắt quả tang, xử lý các vi phạm nhan nhản trên đường hiện nay về xe dù bến cóc thì sao?

Ông Bùi Danh Liên: Đề xuất nữa của chúng tôi là về ngành công an, họ có phương tiện, có quyền dừng xe kiểm tra. Còn giao thông công chính chỉ có quyền kiểm tra tĩnh ở các bến bãi thôi. Khi thấy bóng áo xanh của thanh tra, các tài xế cho xe chạy mất hút, không kiểm tra được.

Tôi cho rằng, ngành công an nên quản lý loại hình trốn thuế làm loạn xã hội này, chỉ ngành công an mới làm được việc đó. Từ nay đến cuối năm, công an mở cao điểm kiểm tra ma túy, nồng độ cồn thì kiểm tra luôn việc đóng thuế của loại hình xe này theo Nghị định 10, Thông tư 122 của Bộ Tài chính.

Các ngành khác rất khó xử lý. Bộ Công an chưa nên thực hiện việc quản lý đào tạo, giấy phép lái xe mà để một thời gian nữa. Trước mắt, Bộ Công an nên giúp đỡ ngành GTVT giải quyết cái bức xúc nhất của hành khách, bến xe là “xe dù bến cóc”, giả danh xe chạy hợp đồng

PV: Xin cảm ơn ông!