Hiệp định EVFTA: Cơ hội nào cho thị trường bán lẻ Việt?

Dự kiến trong tháng 8 tới, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Với thị trường bán lẻ trong nước, đây sẽ là luồng gió mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thương mại nội địa, nhưng cũng sẽ tạo ra không ít

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn trong khối EU tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và mở rộng thị trường vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam.

Đối thoại với phóng viên Kênh VOV Giao thông về những khó khăn, thách thức của thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ:

PV: Thưa ông, những khó khăn nào đang đặt ra với thị trường bán lẻ Việt Nam khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực?

Ông Vũ Vinh Phú: Thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường hết sức tiềm năng, cho nên các nhà đầu tư của châu Âu sẽ thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh. Bởi vì chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp, tính liên kết, quản trị yếu và vốn ít.

Các thủ tục hành chính trong vấn đề thành lập doanh nghiệp, hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn, kèm theo là vấn đề chi phí Logistic.

PV: Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể đương đầu với những thách thức trong thời gian tới, thưa ông?  

Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta phải tự vươn lên để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ nhất là phải xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu, nhỏ nên chúng ta phải liên kết lại thành các tập đoàn bán lẻ lớn.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải tạo niềm tin trong kinh doanh, thu hút được khách hàng và gắn bó với sản xuất để đảm bảo hai bên đều thắng, win-win chứ không phải o ép, chiết khấu rồi gây khó khăn khiến hàng hóa Việt phải đi cửa sau vào siêu thị.

Đồng thời chúng ta phải chú ý thêm hệ thống bán lẻ truyền thống, vốn chiếm đến 80 % doanh số.

Hiện các chợ đầu mối nói chung cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trong khi doanh số ở kênh truyền thống này đã giảm 30%.

Đặc biệt là đào tạo người bán lẻ Việt Nam có kỹ năng, đồng thời có văn hóa phục vụ kinh doanh. Từ một lời mời, một lời chào cũng phải học.

Vấn đề nữa là chúng ta phải tập trung vào nghiên cứu phát triển con đường đi của nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam, từ nay đến năm 2020, 2030, thậm chí 2045 sẽ như thế nào?

Vai trò của các hiệp hội bán lẻ, các Sở Công thương các tỉnh thành, vai trò của Bộ Công thương, đó là những điều hết sức quan trọng. Nhà nước cũng cần hỗ trợ những chính sách về tiếp cận đất đai, vốn, ngân hàng giảm các chi phí để phát triển chuỗi bán lẻ nội địa.

Đây là những điều thiết yếu, vừa là cơ hội và thách thức khi EVFTA có hiệu lực.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

---

Mời các bạn cùng lắng nghe nội dung chi tiết của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 26/6 tại đây: