Hiểm họa từ lốp xe tái chế

VOVGT - Thời gian qua, nhiều xe ôtô đã bị nổ lốp do sử dụng lốp tái chế kém chất lượng, nhưng vẫn chưa có một quy định nào cấm kinh doanh mặt hàng này.

 

Những đoạn rãnh, gân trên vỏ lốp xe tưởng chừng như vô tác dụng và khiến không ít người lầm tưởng rằng những rãnh và gai trên lốp xe chỉ có tác dụng trang trí. Thế nhưng thực tế thì rãnh, gai trên vỏ lốp xe lại có công dụng ảnh hưởng rất lớn đến sự chuyện động của xe, tác động đến sự an toàn của xe khi di chuyển cũng như đảm bảo an toàn cho người lái.

Nhiều cơ sở chuyên tái chế vỏ ôtô bằng các thủ thuật khác nhau để qua mặt cơ quan chức năng. Ảnh nh họa

Thời gian qua, báo chí có phản ánh tình trạng: nhiều cơ sở chuyên tái chế vỏ ôtô bằng các thủ thuật dán, khắc lại lớp gai lên lớp vỏ cũ tạo thành những rãnh sâu mới để qua mặt cơ quan đăng kiểm. Cụ thể, dọc tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa từ lâu đã được giới tài xế trong Nam, ngoài Bắc mệnh danh là thủ phủ của “công nghệ” tân trang xăm, lốp. Một chiếc vỏ đã mòn vẹt nhưng chỉ cần qua tay các “phù thủy” cắt gai, ép số, bỗng thành như mới. Chỉ cần vài chục phút, chiếc lốp cũ đã được những người thợ này “lột xác” hoàn toàn. Những đường rãnh mòn trơn trở nên sâu, đều đặn. Nếu không nhìn kỹ, khó ai nhận biết đó là chiếc lốp được tân trang. Không chỉ cắt gai, ép số, các tiệm làm lốp xe còn kiêm luôn khâu đánh bóng, tân trang lại lốp cũ, đắp vá các vết nứt, rách của lốp xe. Qua bàn tay của các thợ làm lốp, một chiếc lốp ô tô dù đã hết gai cũng trở nên như mới.

Điều đáng lo ngại là, nhiều tài xế tuy biết vỏ đã quá mòn nhưng vì tiết kiệm tiền nên vẫn cố tình cắt gai để chạy. Một lái xe chạy tuyến Bắc – Nam chia sẻ về tình trạng nguy hiểm này như sau:

 

Trao đổi với chương trình, TS Trần Hữu Nhân – Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) khẳng định: về mặt kỹ thuật, hành vi tái chế lốp ôtô bằng việc khắc, dán, tạo thành những rãnh sâu mới là rất nguy hiểm cho phương tiện. Trên lốp có các đường gân lốp và rãnh lốp. Diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường chính là phần diện tích gân lốp. Diện tích tiếp xúc lớn thì ma sát lớn, xe tuy có tốn xăng hơn nhưng an toàn hơn do lốp bám đường nhiều hơn. Ngược lại, với lốp xe có diện tích tiếp xúc nhỏ thì ma sát ít, xe “bốc” nhanh hơn khi tăng tốc, và đỡ tốn xăng hơn. 

 

Cũng theo TS Trần Hữu Nhân – Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ô tô – Máy động lực (Trường ĐH Bách khoa TPHCM), mỗi loại vỏ ôtô khi sản xuất đã được kỹ sư của các công ty thiết kế với một thông số kỹ thuật phù hợp, lớp bố trong vỏ ôtô giúp vỏ chịu được các lực nén, lực ma sát đảm bảo vỏ không bị nổ, bị phù. Phần rãnh, gai cao su có tác dụng tạo độ bám đường cho vỏ. Những loại vỏ xe cũ, mòn nếu đắp lại sẽ không đảm bảo các thông số an toàn như khi xuất xưởng. Một khi vỏ xe đã mòn, trơn được đem khắc rãnh lại không nên tái sử dụng, vì trong quá trình khắc rãnh sẽ làm các sợi bố bên trong lớp vỏ cao su bị đứt, độ chịu lực của vỏ giảm, độ bám, hệ số ma sát không đạt, dễ dẫn đến tai nạn giao thông, rất nguy hiểm khi lưu thông trên đường cao tốc.

Có thể thấy, hành vi cắt gai, ép số, tân trang lốp ô tô là hành vi vi phạm pháp luật và khiến các tài xế đứng trước nguy cơ đối diện với “tử thần” bởi tai nạn. Hàng năm, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng có nguyên nhân từ nổ lốp xe. Nhưng dường như nhiều năm qua, các địa điểm hành nghề này vẫn làm công khai mà không hề có sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Trước thực tế trên, TS Trần Hữu Nhân đưa ra lời khuyên, các lái xe nên có thói quen kiểm tra lốp thường xuyên, thay lốp còn mới ở những cơ sở uy tín, chính hàng. Ngay cả lốp mới chưa sử dụng, cất trong kho, nhưng sản xuất từ 5 năm trước thì không nên mua về để thay. Bởi, tuổi thọ của cao su và các lớp vải bố không còn đảm bảo nếu vượt quá thời gian này. Quan trọng nhất là khi mua lốp hoặc bảo dưỡng lốp, cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông số của lốp để biết được lốp xe mới hay cũ, còn sử dụng được hay không:

 

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phải quản lý chặt khi đăng kiểm ô tô để phát hiện loại bỏ việc lái xe sử dụng các loại lốp cũ được làm mới, gây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc để kiểm tra, xử lý dứt điểm những cơ sở dùng thủ thuật cắt gai, ép số, biến những vỏ lốp ô tô quá đát thành những chiếc vỏ đủ thông số kỹ thuật, gây nguy hiểm cho người lái xe.