Hết thuốc giải độc Botulinum, bệnh nhân không thể thở máy mãi được

Vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn chả giò bán dạo và mắm để lâu ngày. Đáng nói, cả nước chỉ còn 2 lọ thuốc giải độc và được dùng cho chùm ca 3 bệnh nhi, sau đó 3 ca người lớn thì hết thuốc, bác sĩ phải điều trị duy trì hỗ trợ bằng thở máy.

Trước tình hình các cơ sở y tế tại TP.HCM đã hết các loại thuốc biệt dược để sử dụng trong tình huống khẩn cấp cứu người, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng một kho thuốc quý-hiếm để dự phòng để tránh bị động, vì tính mạng con người là trên hết.

Phải có nguồn dự phòng, đừng ăn đong từng bữa

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đến khi nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra thì mới thấy các bệnh viện đang vận hành theo cách “ăn đong từng bữa”. Song, vấn đề này cho thấy sự bấp bênh. Chính bà là người trong cuộc đã đề nghị rất nhiều lần cần phải có dự trù cơ số thuốc.

“Vấn đề ở đây không phải là kho, kho để hộp thuốc quá dễ. Chúng ta cần phải có dự trù. Giống như quốc gia chúng ta dự trù gạo để phòng những lúc thiên tai, thuốc chúng ta cũng có dự trù để nếu có trường hợp bất ngờ xảy ra có thể huy động. Đề nghị đưa danh mục các thuốc, vắc xin vào danh mục dự trữ quốc gia và tính toán theo tỉ lệ”, bà Lan chia sẻ.

Khan hiếm nguồn thuốc giải độc.

Và để không tránh lãng phí thì cũng cần tính toán mua đủ dùng cho một lượng bao nhiêu người, trong một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đối với dự trù cho tình huống thiên tai, thảm họa thì có tốn tiền cũng phải làm, vì tính mạng người dân là trên hết. Quan điểm bà Lan luôn mong những thứ dự trù không bao giờ dùng đến, thà hết hạn đổ bỏ nhưng khi cần là có cứu người ngay.

Khi đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này và sẽ giải quyết vấn đề cấp bách ra sao, PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan chỉ rõ vai trò của ngành y tế, Bộ Y tế phải đưa vào danh sách này không thể đợi đến lúc chết người mới loay hoay.

“Với lại thuốc này thì đừng trông chờ mua với giá bình thường, bởi khi cần buộc phải có và không có gì thay thế. Các công ty nhập khẩu họ cũng không lời lãi nhiều vì thuốc hiếm, số lượng ít, vướng nhiều thủ tục, vận chuyển, bảo quản... nên tính mạng con người là quý nhất cần phải có sự linh hoạt”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Bộ Y tế là phải nhìn thấy nguy cơ đó và tất cả phải có dự trù. Nếu không biết cách làm thì cứ học tập các nước lân cận chúng ta, Thái Lan, Indonesia người ta dự trừ những chuyện đó thế nào để về làm”.

Tính mạng con người không thể cân đo đong đếm

Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan khẳng định tính mạng con người là quan trọng, là vô giá. Chúng ta lúc đó không phải dùng tiền để cân đong đo đếm được. Đừng cho rằng một lọ thuốc giải độc 8.000 USD/lọ mà không mua.

“Chưa hết, khi ta dự trù tốt sẽ đàm phán đặt hàng sẽ có giá khác, chứ giờ cứ có việc sốt sắng lên chạy ra quốc tế đi kiếm, xách tay về đắt là phải”  và cần phải tính chung về nguồn ngân sách dự trữ, nếu sợ tốn tiền thì tính toán thương lượng giá để đưa vào chi phí bảo hiểm", bà Lan đưa ra giải pháp.

Đã trải qua 3 nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội, vừa là Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm, kiêm Chủ tịch Hội dược học TP.HCM, bà Lan liên tục kiến nghị các vấn đề “nóng” trong nghị trường. Vấn đề thuốc men điều trị trong các bệnh viện đang là một vấn đề lớn, cần phải tháo gỡ ngay nhưng còn nhiều vướng mắc về chính sách.

 

“Nếu chúng ta khẳng định lo an sinh xã hội, lo cho người dân thì càng lúc phải càng tăng đầu tư cho y tế. Tăng ở đây chính là tăng cơ sở vật chất trang thiết bị ở các BV công lập, tăng lương cho y bác sĩ. Ngoài ra, tạo cơ chế tự chủ cơ chế về con người, có thể bầu chọn các vị trí lãnh đạo Khoa - Phòng đúng theo nghĩa chuyên môn. Đối với tài chính bệnh viện được chủ động mua sắm trang thiết bị, mua sắm thuốc..”, bà Lan nói.

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XV, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan sẽ gửi đến nghị trường nhiều kiến nghị, bức xúc của người dân và mong mỏi có nhiều giải pháp sớm tháo gỡ cho các bệnh viện để đảm bảo quyền khám, chữa bệnh của người dân.