Hệ thống cân bằng điện tử ESP liệu có quan trọng?

Hiện nay tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada... hệ thống cân bằng điện tử (ESP) trở thành trang bị "bắt buộc" cần có trên xe thương mại. Điều gì khiến ESP trở nên quan trọng đến vậy?

Hiện đại hơn cả hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD và phanh ABS là hệ thống cân bằng điện tử ESP, hiện được trang bị phổ biến trong nhiều dòng xe

"Hệ thống cân bằng điện tử" (Electronic Stability Program, viết tắt là ESP) hay còn nhiều cách gọi khác như DSC, VSA, ESC… tùy vào mỗi nhà sản xuất xe là hệ thống an toàn điều khiển điện tử, có tác dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ mất lái do những sai lầm của chủ xe.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống này là sử dụng phanh độc lập trên từng bánh xe để chỉnh hướng lái chiếc xe sau khi mất kiểm soát, điều mà con người ít có khả năng thực hiện. Bởi, hệ thống cân bằng điện tử này có khả năng nhận diện trước mối nguy hiểm và đưa xe về trạng thái cân bằng.

Cụ thể, "Hệ thống cân bằng điện tử" (ESP) hoạt động dựa vào tín hiệu từ bộ các cảm biến như cảm biến tốc độ bánh xe (dùng chung với hệ thống ABS và TCS) để xác định độ trượt của bánh, cảm biến quay vòng, gia tốc, góc lái cũng như áp suất phanh để xác định khi xe có xu hướng lật, mất lái và tiến hành can thiệp.

Hiện tượng mất lái có thể xảy ra khi người lái phải xoay vô lăng nhanh để tránh một chướng ngại vật bất ngờ trên đường hoặc bẻ lái quá nhiều/ quá ít khi vào cua khiến xe bị văng đuôi/ văng đầu và rất dễ gây tai nạn.

Việc can thiệp của hệ thống cân bằng điện tử có thể được thực hiện bằng cách phanh từng bánh xe một cách tự động (sử dụng chung các cơ cấu chấp hành của hệ thống chống bó cứng phanh ABS) dựa theo điều kiện thực tế hoặc ngắt moment từ động cơ đến các bánh xe (dựa vào hệ thống kiểm soát lực kéo TCS).

Theo nghiên cứu từ Tổ chức An toàn giao thông Mỹ, công nghệ này đã cứu sống từ 5.300 – 10.100 mạng sống mỗi năm và ngăn ngừa từ 168.000 – 252.000 người bị thương liên quan đến tai nạn giao thông. Chính vì lẽ đó, các nước trên thế giới đều bắt buộc trang bị “Hệ thống cân bằng điện tử” cho xe thương mại.  

Còn tại Việt Nam, con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, gần 22.000 người tử vong mỗi năm và phần lớn lỗi xảy ra đều là do chủ xe. Nhưng tới nay, vẫn chưa có quy định nào bắt buộc phải có “Hệ thống cân bằng điện tử” trên xe. 

Chưa kể đến việc cạnh tranh giá cả trong thị trường ô tô Việt Nam, nhiều hãng xe bỏ qua việc trang bị công nghệ này nhằm giảm giá thành. Một phần cũng do tâm lý của khách hàng, họ quan tâm đến hình thức và thương hiệu của xe hơn là phương tiện giao thông hữu ích hay xem xét các thiết bị an toàn được trang bị trên xe.