Hãy xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn

Tối 19/11, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Người bạn đường” gắn với Lễ Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2022 tại Việt Nam, với chủ đề “xây dựng văn hóa giao thông an toàn với tinh thần Tưởng nhớ người đi vì người ở lại”.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Lễ tưởng niệm (Ảnh: Tạ Hải)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15 - 27 tuổi.

 
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu.

Còn ở Việt Nam, mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân đã nỗ lực rất nhiều, nhưng mỗi năm vẫn gần 7.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông và có trên 1.000 người khác bị thương tật suốt đời.

Tính riêng 11 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra hơn 9.200 vụ tai nạn giao thông, hơn 5.200 người bị cướp đi mạng sống cùng với hơn 6.100 người bị thương tật do tai nạn giao thông. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: 

“Mỗi chúng ta hãy tưởng nhớ đến những đồng bào mất đi và tự nhắc nhở chính mình phải có những hành động thiết thực để kéo giảm tai nạn giao thông, để mọi nhà đều được sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về. Tôi kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn”.

Đây là năm thứ 11 của Việt Nam cùng thế giới tổ chức những hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ sự mất mát với người thân của họ.

Cũng tại lễ tưởng niệm, nhiều câu chuyện ý nghĩa về việc chấp hành luật ATGT được chia sẻ, từ cháu nhỏ đến người già. Nhiều câu chuyện về những người bị TNGT nhưng vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, rèn luyện để tiếp tục sống và làm người có ích cho xã hội.

Đơn cử như câu chuyện của chị Bế Thị Băng - nạn nhân của một vụ TNGT đã cướp đi mất 1 bên chân của chị: “Sau tai nạn giao thông, bác sĩ có nói là trường hợp của em rất là nặng, đa chấn thương và cũng bị tủy sống nữa, chắc là chỉ có ngồi xe lăn thôi. Em cảm thấy rất là sợ, em đã lấy lời nói đó của bác sĩ đề là động lực cho cuộc sống của mình, để mình rèn luyện cho chân của mình. Cho dù là bây giờ nó đang còn rất yếu ớt nhưng ngày mai, ngày mai nữa chẳng hạn thì mình cứ cố gắng xem sao. Em  đã thành công, có cơ hội được hòa nhập sống là chính mình”.

Không chỉ có những nạn nhân chia sẻ câu chuyện của mình mà còn có những người tình nguyện làm việc không công để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Minh (ở An Giang) làm nghề bán tàu hũ - suốt 10 năm qua tình nguyện đi vá đường, chị làm việc này sau khi chứng kiến một vụ TNGT của một cô gái đâm vào ổ gà, ngã và tử vong:

“Mình cũng thấy cái tâm mình nó cũng hơi đau. Suy nghĩ ban đêm thì lo cứ nằm trăn trở mãi, cứ ám ảnh người chết đó. Thấy cũng có nhiều em học sinh đi học té chấn thương não thấy đau lòng quá. Từ đó biết là công việc nặng nhọc, cực mà mình vẫn làm để cho bình an cho những người dân qua lại”.

Một phút tưởng niệm những nạn nhân không may qua đời vì TNGT (Ảnh: Tạ Hải)

Sau khi dành một phút tưởng niệm những nạn nhân không may qua đời vì TNGT. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã có lời kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và mỗi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, đồng lòng thực hiện những quy tắc giao thông an toàn như:

Đã uống rượu, bia - Không lái xe; Không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; Nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em khi tham gia giao thông…để toàn xã hội cùng tạo lập một môi trường giao thông thực sự an toàn, văn nh, thân thiện.

“Thay mặt Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tôi xin gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình có thân nhân không may qua đời do tai nạn giao thông tại Việt Nam. Tôi cũng kêu gọi mỗi người chúng ta hãy cùng giúp đỡ, sẻ chia, chung tay xoa dịu những nỗi đau tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của các nạn nhân. Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gửi lời thăm hỏi và chia buồn đến tất cả các gia đình có thân nhân không may qua đời do TNGT.