Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất

Vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa bị ùn ứ dẫn đến dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng hoạt động. Sản phẩm làm ra sản xuất không thể vận chuyển cho khách hàng do tắc nghẽn vận tải.

Ông Phạm Tiến Hoài Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 21/7, tại Hậu Giang đã diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành, Châu Thành A và các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết khó khăn trong tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện đã nhận được thông tin từ 15 doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 08 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điểm chung của các doanh nghiệp là vấn đề vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa bị ùn ứ dẫn đến dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng, thậm chí ngừng hoạt động. Sản phẩm làm ra sản xuất không thể vận chuyển cho khách hàng do tắc nghẽn vận tải.

Trong khi đó, số ít doanh nghiệp dù bị ngưng sản xuất nhưng việc xuất hàng hóa đi các tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, vần đề họ gặp phải là các nhân viên, lái xe gặp khó khi đi qua các chỏi kiểm soát dịch.

Bên cạnh đó, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương trong cách kiểm soát giấy tờ để người lao động có thể qua chốt.

Mặc dù doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất cho các tháng tiếp theo nhưng nhiều khả năng không hoàn thành do ảnh hưởng dịch bệnh. COVID-19 cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao, ngoài dự tính của doanh nghiệp, đó là chưa kể nhiều loại chi phí kèm theo từ xe đưa rước đến chi phí xét nghiệm cho công nhân.

Về thực hiện yêu cầu 3 tại chỗ như chỉ đạo của UBND tỉnh, khi áp dụng vào thực tế, một số doanh nghiệp lúng túng không kịp trở tay vì không có đủ nhà cơ sở vật chất để bố trí chỗ ở cho người lao động, điều kiện sinh hoạt, ăn uống không được tốt do hạn chế nguồn cung.

Bên cạnh đó là tâm lý lo sợ dịch bệnh của người lao động nên nhiều người không mặn mà khi được công ty phổ biến sẽ tập trung ăn, ở, làm việc suốt thời gian giãn cách. Tại các doanh nghiệp, vấn đề nguồn cung thực phẩm cho sinh hoạt của công nhân thời điểm này cũng là bài toán khó.

Nguồn cung thực phẩm tươi khan hiếm. Các đơn vị giao hàng lo sợ vào Hậu Giang bị cách ly 21 ngày nên không đồng ý giao hàng, người cung cấp cho dự án không qua được các trạm kiểm soát dịch.

Thiếu chỗ test kháng nguyên, các địa điểm test hiện tại và việc cung cấp test để doanh nghiệp tự thực hiện không đáp ứng được nhu cầu, thời gian chờ đợi test kéo dài. Hiệu lực của test 3 ngày là quá ngắn, đôi khi gây khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. 

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo tại hội nghị

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng đến thời điểm này tình hình dịch bệnh Covid-19 quá phức tạp. Địa phương chấp hành nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. 

 

'Chúng ta cũng chủ động, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục duy trì được sản xuất nhưng kèm theo đó công tác phòng dịch phải đảm bảo cho tốt.

Thời điểm lúc này sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Cho nên sản xuất thì chúng ta cũng tạo điều kiện cho phát triển nhưng mà sức khỏe nhân dân là quan trọng. Chúng ta phải chấp nhận hy sinh về một phần phát triển kinh tế, tạm thời chúng ta dừng một lúc để đảm bảo sức khỏe cho người dân sau khi đó sẽ tăng tốc đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Ngày vàng chúng ta là 14 ngày, nếu chúng ta không giữ được 14 ngày thì đừng nói là doanh nghiệp tạm dừng 14 ngày này và có thể nhiều hơn nữa nếu chúng ta kiểm soát không tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhất trí dừng hoạt động hoặc giảm quy mô đối với doanh nghiệp chưa đảm bảo an toàn về phòng chống dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để người dân chủ động công tác phòng chống dịch, phải là vùng xanh, an toàn./.