Hành vi lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy: Tại sao khó xử lý?

VOVGT - Trên thực tế, người lần đầu sử dụng chất ma túy phần lớn do bị người khác lôi kéo. Pháp luật đã có quy định, nhưng tại sao khó xử lý?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo Công an Tp.HCM, nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng và nghiện chất ma túy là hành vi lôi kéo, dụ dỗ. Có những thời điểm, nguyên nhân này chiếm tỷ lệ lên tới hơn 80%. Tỷ lệ lớn là vậy, nhưng mới đây, Công an quận Bình Tân (Tp.HCM) mới lần đầu tiên phá vụ án liên quan đến hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Trên thực tế, người lần đầu sử dụng chất ma túy phần lớn do bị người khác lôi kéo. Pháp luật đã có quy định về loại tội phạm này, nhưng tại sao khó xử lý hình sự? Tại sao đến nay mới phá được vụ án đầu tiên liên quan đến tội danh này? 

Ngày 23/8, TAND quận Bình Tân (Tp.HCM) đã xét xử sơ thẩm, tuyên Nguyễn Phi Long (24 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau, tạm trú Tp.HCM) 6 năm tù về tội “lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy”; 2 năm 6 tháng tù về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”; 1 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Vào các đêm 23, 24 và 25/3, tại một nhà trọ ở khu phố 16 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), Long đã rủ rê anh N.T.Q. và em N.T.T.P. từ chỗ không có ý muốn sử dụng, đến tự nguyện sử dụng ma túy. Ngoài ra, Long còn chủ động đưa ma túy đá cho 2 người khác đi giao hàng và cất giữ riêng một lượng ma túy để sử dụng.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, Bộ Luật Hình sự đã có những quy định chi tiết về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là hành vi cố ý, dù biết việc lôi kéo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác, nhưng người có hành vi phạm tội vẫn cố tình thực hiện để trục lợi, hoặc để thỏa mãn nhu cầu.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết:

 

"Theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi và có hiệu lực năm 2018, Điều 258 có quy định về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 10-15 năm nếu như gây tổn hại sức khỏe cho người khác có tỷ lệ thương tật 61% trở lên, hoặc gây chết người, hoặc gây bệnh cho 2 người trở lên, hoặc với người dưới 13 tuổi. Tại Khoản 4 có thể lên đến 20 năm. Ngoài phạt tù còn phạt tiền từ 5-100 triệu đồng".

Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng gặp không ít những khó khăn để truy tố, xét xử các đối tượng liên quan đến tội danh này. Lý do là bởi việc chứng nh hành vi phạm tội đòi hỏi rất nhiều chứng cứ vật chất có liên quan. Các đội tượng đã rủ rê, lôi kéo như thế nào? Đâu là bằng chứng chứng nh việc rủ rê, lôi kéo đó? Đây là những câu hỏi khó cho cơ quan điều tra, trừ khi có những bằng chứng cụ thể như: tin nhắn, hình ảnh, hay những đoạn ghi âm, ghi hình.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền phân tích:

 

"Không dễ dàng gì để kết tội một người vào tội mang tính chất lôi kéo. Phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội, và thường không để lại chứng cứ vật chất gì. Và trong việc này, khi lôi kéo, người chủ động lôi kéo thường cố gắng giấu giếm hành vi của mình. Bởi vì họ biết việc lôi kéo, hoặc cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, nên họ thường che giấu rất tốt".

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty luật Basico - cho biết, nếu không đủ chứng cứ để kết tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, các cơ quan chức năng thường truy tố, xét xử các đối tượng về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hay tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy,… Vì những tội danh này sẽ có những bằng chứng cụ thể hơn và hình thức xử lý cũng đủ sức răn đe.

 

"Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258) tại sao ít là vì đa số những hành vi ấy có thể truy tố bằng những tội khác. Ví dụ như tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 225), hay tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, rồi tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256, 257). Tội lôi kéo thì phải chứng nh được là người ta rủ rê, lôi kéo; người ta hành vi, hành động như thế nào, thường sẽ khó hơn, phức tạp hơn. Trong khi đó, xử lý hành vi kia thì hoàn toàn có thể đáp ứng".

Cũng theo ý kiến của các luật sư, theo Bộ Luật Hình sự năm 1999, “tội cưỡng bức và lôi kéo người khác chơi ma túy” được quy định trong 1 điều; đồng thời, không định nghĩa thế nào là “cưỡng bức, lôi kéo”, nên khó áp dụng. Còn Bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã tách thành 2 tội danh riêng và định nghĩa hành vi phạm tội cụ thể.

Luật mới chi tiết, tách biệt rõ ràng, nên điều tra viên có “vũ khí pháp lý” mạnh hơn để sử dụng. Đó là lý do tại sao vụ án đầu tiên liên quan đến hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy mới được cơ quan chức năng đưa ra xét xử tại quận Bình Tân (T.HCM).