Hành trình khởi nghiệp của cô giáo miền Lục Ngạn

Nhiều năm giành thời gian, tâm huyết nghiên cứu loại giấm ăn có hương vị đặc trưng từ trái vải, công sức của cô giáo miền Lục Ngạn đang được ghi nhận bằng thành công của thương hiệu giấm Kim Ngân trên thị trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Giám đốc Bạch Kim Ngân (người đầu tiên bên phải) trực tiếp giới thiệu sản phẩm với khách hàng - Ảnh Báo Dân tộc

Từ hơn 20 năm nay, những tiết hóa, sinh của cô giáo Bạch Kim Ngân đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò trường THCS thị trấn Chũ, tỉnh Bắc Giang. Gắn bó với vùng đất vải, cô thấu hiểu sự khó nhọc của người dân nơi đây khi sớm hôm tần tảo nhưng vẫn thường rơi vào cảnh được mùa rớt giá bởi phụ thuộc vào thương lái.

Với mong muốn tạo ra dòng sản phẩm có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có địa phương, ngoài giờ lên lớp, chị Ngân bắt đầu tìm hiểu phương pháp lên men giấm từ các loại quả tươi. Theo chị, trên thị trường hiện nay có nhiều loại giấm, nhưng việc sản xuất công nghiệp khiến sản phẩm không đủ chất dinh dưỡng, độ axit cao, chưa kể những loại trôi nổi pha chế thêm phụ gia gây hại cho sức khỏe. Còn với giấm lên men tự nhiên, thành phần chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nhưng giá thành lại khá đắt.

Nghĩ là làm, năm 2013, khi bắt đầu vào vụ thu hoạch, cô giáo Ngân mua vài sọt vải, tự bóc, nghiền và ngâm ủ thử. Trong lần đầu tiên, do chưa nắm được quy trình chuyển hóa, lên men của vải, những yếu tố về độ ẩm, thời tiết… nên quá trình điều chế thất bại. Nhiều lần hỏng rồi làm lại, cuối cùng, những chai giấm cho mùi vị thơm ngon được điều chế thành công.

Nói về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Ngân nhớ lại: “Trong năm đó, vải thiều được mùa rất lớn, lượng vải thiều bà con nông dân đổ bỏ rất nhiều vì không bán được. Khi đó tôi nghiên cứu và biến nó thành giấm. Lúc đầu thì chỉ để dùng và tặng những người thân. Sau đó mọi người khen sản phẩm rất khác biệt và ngon. Khi tìm hiểu sâu về sản phẩm tôi mới thấy những công dụng tuyệt vời của nó. Đến tháng 9/2014 tôi quyết định mở công ty để bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường”.

 

Kiên trì với từng đơn hàng nhỏ lẻ, tích cực liên lạc với đối tác, tiểu thương ở các chợ, rong ruổi khắp các tỉnh thành phía Bắc, những nỗ lực của chị Ngân cuối cùng cũng được đền đáp. Với chất lượng tốt, hương vị đặc trưng, độ chua thanh mát và an toàn cho sức khỏe người dùng, giấm vải Kim Ngân dần ghi dấu ấn và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Sản phẩm giấm vải Kim Ngân

Tiếp nối thành công, những năm qua, thương hiệu Kim Ngân cũng liên tục giành nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương vàng Thực phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng, Cúp vàng Sản phẩm chất lượng ASEAN… Sản phẩm giấm vải hiện có mặt tại hầu khắp các địa phương trên cả nước thông qua nhà phân phối chính thức là những đại lý, siêu thị. 

Không chỉ khẳng định tên tuổi tại thị trường trong nước, giấm vải Kim Ngân còn đang có những bước tiến dài để xuất khẩu. Tháng 3/2016, giấm vải đã được xuất khẩu sang Australia và đầu tháng 11/2017, lô hàng đầu tiên được xuất sang Singapore. Ngoài vải thiều, chị Ngân cũng thử nghiệm ngâm ủ một số loại quả khác gồm: xoài, nho, táo..., nhưng thành công nhất là với táo xanh của đất Lục Ngạn.

Đầu năm 2015, cơ sở chính thức đưa ra thị trường thêm loại giấm táo. Nói về khát vọng xây dựng một thương hiệu thuần Việt, chị Ngân chia sẻ: “Trước khi đặt tên giấm Kim Ngân tôi cũng được nhiều người tư vấn nên lấy một cái tên lái một chút, ngoại một chút. Nhưng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều vì tại sao lúc nào chúng ta cũng phải có một cái gì đó lai lai ngoại quốc. Sau đó tôi quyết định đặt tên sản phẩm theo tên tôi, bởi tôi muốn mẹ tôi tự hào về mình. Và tên Kim Ngân hoàn toàn thuần Việt để mọi người khi nhìn thấy sản phẩm của Việt Nam có thể tự hào về nó, về chất lượng cũng như mẫu mã hình ảnh”.

 

Sáu năm là chặng đường chưa dài với một đơn vị khởi nghiệp, tới nay công ty TNHH Ngân Giang đã mở rộng quy mô hơn 1.000m2 nhà xưởng, mỗi tháng sản xuất bình quân 15.000-20.000 lít giấm vải cung cấp ra thị trường. 

Dù doanh nghiệp bắt đầu có lãi, song chị Ngân cho rằng công ty còn đang trong giai đoạn khởi nghiệp nên chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận: “Xác định khởi điểm đầu tiên là sản phẩm thuần Việt, được người Việt Nam đón nhận nên tôi đặt ra 4 nguyên tắc vàng để sản xuất đó là: khởi đầu nhỏ, tự mình làm, đi trước thời đại và không quá coi trọng lợi nhuận. Mỗi ngày bản thân doanh nghiệp đều kiên quyết đặt chất lượng lên hàng đầu để làm sao tạo ra các sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng”. 

 

Với tâm huyết, mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt, nữ giám đốc Bạch Kim Ngân đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm mang nhiều lợi ích cho cộng đồng. Thương hiệu giấm Kim Ngân của cô giáo ền Lục Ngạn cũng đang từng bước khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong và ngoài nước.