Hàng Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người Việt

VOVGT - Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam-Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức, với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trên cả nước.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sáng 21/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Gala tổng kết Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018.

Gala là sự kiện tổng kết các hoạt động, trong đó ghi nhận những điểm nổi bật và kết quả đạt được của chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi Gala

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức, với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, nhằm góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc ở mọi người dân Việt Nam trong việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Chương trình được khởi động từ đầu năm 2018, trong đó có các sự kiện trọng tâm gồm: Lễ Khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam, Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn về các giải pháp phát triển thị trường trong nước khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh và một Hội nghị tương tự ở khu vực phía Nam - Thành phố Cần Thơ…

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chương trình năm nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Thông qua các hoạt động truyền thông phong phú của chương trình, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về năng lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm Việt Nam để từ đó lan tỏa tình yêu hàng Việt tới hàng triệu người tiêu dùng”.

 

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc tập trung các nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường; tổ chức thực hiện nhiều hoạt động truyền thông góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Ngô Sách Thực cho biết, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, ền núi, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững; cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...

Để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng của Việt Nam, ông Ngô Sách Thực đề nghị: “Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức nhiều chương trình, hoạt động rộng khắp để tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm Việt Nam, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín chất lượng đồng thời vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”.

 

Tại Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 đã diễn ra 2 phiên Tọa đàm gồm: “Các giải pháp để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và “Kết nối để phát triển hàng Việt Nam”, chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư, sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam của lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam chia sẻ: “Các sản phẩm may mặc hiện nay có khoảng 158 thương hiệu lớn và hầu hết đã chủ động được ở thị trường trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp đã ý thức được việc thương hiệu, bao bì đóng gói của mình không bị phụ thuộc các sản phẩm, thương hiệu nước ngoài vào sản phẩm dệt may của chúng ta”.

 

Cũng trong khuôn khổ Gala, Bộ Công Thương đã trao kỷ niệm chương cho các cá nhân, đơn vị có nhiều hoạt động kết nối phát triển hàng Việt Nam năm 2018.