Hàng trăm nghìn học sinh mầm non có nguy cơ thất học

Hà Nội có khoảng 158.000 trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục, còn tại TP.HCM trên 339.000. COVID khiến hàng trăm các cơ sở mầm non phải đóng cửa, giải thể, khiến hàng trăm nghìn học sinh mầm non có nguy

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với GS. TS. Nguyễn Đức Chính tại trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Hiện nay có hàng trăm các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập buộc phải đóng cửa, giải thể. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội học tập của các học sinh mầm non khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn?

GS. TS. Nguyễn Đức Chính: Điều ấy chắc chắn xảy ra nếu Bộ, địa phương không có cách hỗ trợ những cơ sở mầm non tư nhân vượt qua đại dịch này.

Rất nhiều chủ cơ sở mầm non phải xin bán hoặc xin nhượng lại. Thì khi mà cuộc sống trở lại bình thường thì rất nhiều các cháu không có chỗ để học. Vì chúng ta biết, cơ sở giáo dục mầm non là cơ sở chiếm tỷ lệ khá lớn khi mà đón các con đến trường.

Nhất là các tỉnh phía Nam, các khu chế xuất có đông các cháu của con em công nhân. Và nếu các con cháu không có chỗ học thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bố mẹ và các công nhân đang sản xuất.

PV: Vậy, chính phủ, ngành giáo dục cần có những biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho nhóm các cơ sở giáo dục này?

GS. TS. Nguyễn Đức Chính: Các nhà quản lý phải xem giáo dục tư thục là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Và Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ họ, không để họ tự bơi trong giai đoạn khó khăn này.

Biện pháp thứ nhất là hỗ trợ các chủ doanh nghiệp tạm giữ cơ sở của họ như tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở và các loại thuế và thậm chí có thể cho vay với lãi suất ưu đãi.

Cái thứ hai phải có sự hỗ trợ đối với các cô giáo, các cô giáo không trụ được mà bỏ đi làm nghề khác thì khi có các cháu đến trường sẽ rất khó trong việc tìm lại các cô. Nghiệp vụ của giáo viên mầm non rất khó, rất khác, không thể đào tạo một sớm một chiều.

PV: Xin cảm ơn ông!