Hãng phim truyện Việt Nam: Còn đâu hào quang xưa cũ

VOVGT - Hơn 60 năm đồng hành cùng đất nước, nhưng hiện trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam không được tu sửa, cơi nới, dần xuống cấp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Hãy thử quay ngược thời gian khoảng 50 năm về trước thôi, khi Hồ Tây thực sự bao la, rộng lớn và vắng vẻ, thì bất cứ một công trình nào hiện hữu trong không gian này đều mang dấu ấn thời đại rất đậm nét, khó có thể phai mờ trong ký ức người dân nhiều thế hệ.

Sự tồn tại theo thời gian của những công trình ấy luôn mang trong mình tiếng nói của lịch sử đời sống, có những câu chuyện vui buồn, có những tình cảm, ký ức đậm sâu…

Đó là câu chuyện về công trình Hãng phim truyện Việt Nam tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê hiện nay.

 

Trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam giờ đã xuống cấp trầm trọng

Trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam rộng 5.500 m2 nằm bên Hồ Tây, cụ thể là số 4 Thụy Khuê, ngay đầu đoạn giao với đường Thanh Niên và phố Mai Xuân Thưởng.

Trước đây, khu này là biệt thự cổ của người Pháp, được sơn màu vàng nhạt với những ô cửa màu xanh lá cây toát lên một vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc. Hơn 60 năm đồng hành cùng đất nước, trụ sở xưa vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu, chưa được xây sửa, cơi nới thêm, cộng với việc Hãng phim đang được cổ phần hóa, chuyển đổi chủ sở hữu nên công trình này lại càng xuống cấp hơn.

Cảnh tượng xuống cấp của công trình này không chỉ khiến nhiều nghệ sĩ xót xa mà ngay cả những người dân gắn bó với con phố Thụy Khuê cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối. Một cụ ông chia sẻ:

 

Sự tồn tại của hãng phim truyện Việt Nam ở ngay đầu phố Thụy Khuê như một địa chỉ quen thuộc trong ký ức nhiều người. Quen thuộc bởi ở đó có mặt những người nghệ sĩ nổi tiếng một thời với họ, và ở đó có sự ngưỡng mộ, sự háo hức, chờ đợi, tò mò với công việc làm phim truyện một thời với nhiều bí ẩn và mới lạ.

Với nhiều người, mỗi lần lên Hồ Tây chơi đều muốn đi qua con đường Thụy Khuê và đều bước chậm lại, dõi mắt nhìn vào địa chỉ Hãng phim truyện VN, hy vọng được bắt gặp một gương mặt nghệ sĩ mà mình yêu mến.

 

Giờ đây, đất quanh Hồ Tây trở thành “đất vàng”. Đã có quá nhiều điều thay đổi trong không gian này, nên hình ảnh cũ kỹ, không có sự đổi thay nào, cũng như không có sự đầu tư, sửa sang, giữ gìn cơ sở vật chất của trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam như trở nên lạc lõng.

Ngày qua ngày, quen thuộc với người dân quanh đây là hình ảnh chiếc xe của đoàn làm phim nằm im lìm bụi bặm trong thời gian dài, chưa rõ còn sử dụng được không. Hàng quán tranh thủ mọc lên trong - ngoài khuôn viên hãng, tận dụng không gian đất vàng để người dân xung quanh khu vực mưu sinh được ngày nào, hay ngày ấy.

Bóng dáng của một môi trường làm việc lý tưởng, là nơi hội tụ và thăng hoa ý tưởng sáng tạo cho các nghệ sĩ làm nên những thước phim lịch sử dường như không còn chút dư âm.

Trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê đã đi vào thăng trầm lịch sử non sông, là nơi kết tinh những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một sức mạnh dân tộc trong những lúc nước sôi lửa bỏng.

Những bộ phim ra đi từ số 4 Thụy Khuê theo những bước đường hành quân vượt trận, đi vào những trận đánh hay những bản hùng ca của dân tộc.

Thành lập từ năm 1953, các thế hệ nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh xếp vào dạng kinh điển, được khán giả nhiều thế hệ yêu mến.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn sáu thập kỷ, VFS đã sản xuất được hơn 300 bộ phim truyện nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu, góp phần làm nên nền điện ảnh Việt đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong số các bộ phim do VFS sản xuất có nhiều tác phẩm kinh điển đã trở nên quen thuộc và được khán giả yêu mến như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên...

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một trong những tác phẩm kinh điển của ngành điện ảnh nước nhà

Trong đó, phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) được xem như pho chính luận bằng hình ảnh về tâm lý - chính trị của thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà, thuộc hàng các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh tiêu biểu.

Ngoài ra, Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng là bộ phim kinh điển, tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Kênh truyền hình CNN từng đánh giá Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.

Chỉ tính riêng hai bộ phim kể trên đã phần nào phản ánh VFS là đơn vị làm phim hàng đầu cả nước, là nơi quy tụ những đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim tài năng như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Trà Giang, NSND Hải Ninh, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát...

Qua những dấu ấn mà chúng ta vừa cùng nhau điểm qua thì có thể thấy những giá trị lịch sử của hãng phim truyện Việt Nam để lại trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều thế hệ người VN là rất lớn lao.

Vì thế, việc bảo vệ, gìn giữ và phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của những văn nghệ sĩ mà còn là của tất cả những người yêu văn hóa nghệ thuật nước nhà.