Hàng online hư hỏng do vận chuyển, người mua đành 'ngậm bồ hòn'

Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là mua hàng online. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là không ít phiền toái nếu hàng hóa hư hỏng do lỗi của đơn vị vận chuyển. Dù được đền bù thỏa đáng hay không thì người tiêu

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Kiện hàng bị chuột gặm trong quá trình lưu kho, giao hàng

Anh Nguyễn Trung Hiếu, ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, anh đặt 1 kiện hàng gồm 3 gói thịt bò khô từ Sơn La, đơn vị vận chuyển lớn. Ấy vậy mà kiện hàng bị chuột gặm, rắc rối nảy sinh khi cháu nhỏ nhà anh nhận hàng mà không kiểm tra kỹ:

'Bạn shipper thấy thùng hàng thủng như vậy mà vẫn giao cho mình. Tổng đài bảo là: hàng Tết bọn em nhiều quá, không kiểm soát hết được, mong anh thông cảm. Mọi lý do đấy chỉ là bao biện. Thứ nhất, các bạn phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Thứ hai các bạn phải nhận mình sai, đừng đổ lỗi cho nhân viên nọ kia. Thứ ba là giải quyết đơn hàng cho người ta nhanh chóng, giá trị như thế nào'.

Dạo qua nhiều sàn thương mại điện tử, không khó để bắt gặp những trường hợp tương tự, cùng hàng loạt phàn nàn về hàng móp méo, đánh giá 1 sao của người mua cho đơn vị vận chuyển. Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và cộng sự cho biết:

'Trong trường hợp người bán hàng có một đơn vị vận chuyển là đơn vị trung gian, ví dụ như ship hàng, công ty vận chuyển thuê,… thì bản chất có một giao dịch từ người bán hàng sang người chở thuê, đó là một giao dịch dân sự. Người chở thuê lấy phí dịch vụ, cho nên phải có trách nhiệm bảo quản và bàn giao hàng sang cho người mua.

Nếu vận chuyển, bảo quản, bàn giao bị hỏng hàng thì người mua có quyền từ chối nhận hàng. Người vận tải, vận chuyển phải chịu trách nhiệm đền bù'.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định chung của Luật Bưu chính thì mỗi đơn vị vận chuyển lại có những quy định riêng về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ để tránh tranh cãi không đáng có.

Ví dụ, Viettel Post có quy định: trong quá trình giải quyết mà chưa có kết luận cuối cùng, thì người khiếu nại không được quyền đưa tin lên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông. Nếu không thì Viettel Post được ễn trừ trách nhiệm (nếu có), đồng thời có quyền khởi kiện khách hàng tùy mức độ nghiêm trọng.

Hàng loạt phàn nàn về hàng hư hỏng và đánh giá 1 sao cho đơn vị vận chuyển trên các sàn thương mại điện tử

Trở lại với trường hợp của anh Nguyễn Trung Hiếu, sau rất nhiều lần liên hệ và cung cấp video bằng chứng, anh được đơn vị vận chuyển đền bù 450.000 đồng tương đương giá trị của 1 gói bò khô bị chuột gặm. Dù rất bức xúc nhưng anh đành chấp nhận và vứt bỏ cả kiện hàng gồm 3 gói, trị giá hơn 1 triệu đồng. Bên cạnh thiệt hại về tiền là khoảng thời gian, công sức đã mất để khiếu nại và đặt mua kiện hàng mới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hội đã tiếp nhận và giải quyết rất nhiều trường hợp người mua sắm trực tuyến phải nhận hàng hư hỏng, không đúng như quảng cáo. Đặc biệt dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng:

'Mua hàng qua mạng do diễn ra trên không gian ảo và qua trung gian khi giao nhận hàng, nên nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Nhiều trường hợp hàng còn nguyên đai, nguyên kiện, nhưng khi mở ra thì lại có những kiện móp, bẹp. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên mua ở những địa chỉ đáng tin cậy, có đăng ký bán hàng thương mại điện tử theo đúng quy định Nhà nước', ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ của người bán và đơn vị vận chuyển, người mua cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình như: kiểm tra kỹ hàng hóa khi nhận, từ chối sản phẩm hư hỏng, đánh giá chất lượng dịch vụ để cảnh báo người khác, tìm đến những hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khi có sự cố xảy ra./.