Hàng loạt hãng tàu lao đao vì luồng Lòng Tàu bị tê liệt

Vụ tàu Vietsun Integrity cùng hàng trăm container bị chìm trên sông Lòng Tàu đã gần 1 tháng. Tuyến luồng chính ra vào các cảng bị tê liệt không chỉ gây ách tắc giao thông đường thủy, mà còn ảnh hướng lớn về kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển l

Thợ lặn đang nỗ lực đưa container bị mắc kẹt ra khỏi tàu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo thống kê của Cảng Vụ hàng hải TP.HCM, sau khi xảy ra sự cố tàu Vietsun Integrity bị chìm, tính đến ngày 7/11 đơn vị này đã phải điều tiết gần 990 lượt tàu di chuyển sang luồng sông Soài Rạp. Lượng tàu bè ra vào các cảng và trên địa bàn thành phố giảm hơn 15% so với cùng kỳ, trong đó là nhiều tàu hàng trọng tải lớn, mớn nước trên 9,5m không vào được cảng, vì thế lượng hàng hóa giao thương cũng bị giảm sút đáng kể.    

Những ngày qua các hãng tàu vận tải biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải gánh chịu những tổn thất rất lớn. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty vận tải biển Inter Asia, cho biết: hãng tàu của ông mỗi tuần có từ 6 đến 7 chuyến tàu nội địa và quốc tế ra vào các cảng khu vực TP.HCM, mỗi tàu chở từ 1.200 đến 1800 container hàng hóa cập và xuất bến.

Từ ngày luồng chính Sài Gòn - Vũng Tàu bị tê liệt, toàn bộ số tàu của công ty đều phải giảm tải ít nhất từ 20 đến trên 30% lượng hàng hóa tại cảng Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu và đi vòng sang luồng sông Soài Rạp để vào cảng Cát Lái. Những ngày gần đây, đội tàu biển của Công ty Inter Asia khi nhận hàng từ đối tác chỉ chở 70% tải trọng so với năng lực của tàu, vấn đề này gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, nói:

 

"Hãng tàu bên tôi cũng còn nhỏ, chứ theo tôi biết những hãng có tàu lớn hơn họ phải giảm tải đến 40% lượng hàng xuống Cái Mép, chi phí tổn thất rất lớn. Các hãng tàu định tăng giá nhưng Cục hàng hải không cho. Thì hiện các hãng tàu đang phải gồng và chỉ chạy tàu với 70% tải trọng thôi. Chúng tôi vẫn đang chờ Cục hàng hải và Cảng vụ... có sự chia sẻ. Họ vẫn hứa chia sẻ nhưng đến giờ chưa thấy động thái gì, hiện doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn do vụ chìm tàu gây ra

Những ngày qua các hãng tàu đều chịu chung cảnh ngộ này. Việc giảm tải tại cảng Cái Mép đồng nghĩa phát sinh thêm chi phí nhiên liệu, bốc dỡ hàng hóa, thuê sà lan vận chuyển, thủ tục hải quan cả 2 điểm Vũng Tàu và TPHCM cùng nhiều loại phí khác, như: hoa tiêu, cảng vụ, tải trọng và tiền an toàn hàng hải cả cho 2 cảng.

Tốn kém nhiều kinh phí đi kèm với chậm trễ thời gian giao hàng, nhiều doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị, mong muốn cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Ông Trịnh Tuấn Dũng, Giám đốc công ty vận tải biển CMA – CGM nói:

 

"Những chi phí đó phía Công ty Tân Cảng có chủ động giảm cho các hãng tàu rồi, tuy nhiên khi dỡ hàng ở ngoài Cái Mép cao hơn giá trong này, thế thì trong giai đoạn khó khăn này, không biết các đơn vị ban ngành có thể xem xét có thể áp dụng mức chi phí như ở khu vực ở trong TP.HCM này không".

Khi hàng hóa trì trệ hàng loạt, khả năng nhiều doanh nghiệp phải gánh tiếp những tổn thất lớn vì bị đền hợp đồng cho đối tác, Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị, cần sớm trục vớt tàu càng sớm càng tốt để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định trở lại:

 

"Xảy ra vụ chìm tàu đến nay, thì tàu hàng cập cảng Cái Mép ngày 2/11 đến ngày 15/11 vẫn chưa nhận được hàng để đưa vào sản xuất, vì thế mọi hoạt động đều bị chậm trễ theo, hàng hóa không sản xuất được rồi không có hàng để giao cho đối tác. Tình hình hiện nay xuất nhập khẩu đều trì trệ rất căng thẳng".

Để sớm xử lý nhanh hậu quả do vụ chìm tàu gây ra, sau khi kiểm tra thực địa khu vực hiện trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công yêu cầu, ngày 25/11 phải thông luồng một chiều hướng TPHCM ra phao số 0 của Vũng Tàu, việc trục vớt phải thực hiện khẩn trương và tiến hành giải phóng toàn bộ luồng sớm nhất là ngày 10/12 và chậm nhất trước ngày 15/12.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định đây là sự cố ngoài mong muốn nhưng lại gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải, chủ tàu, chủ cảng và cả cơ quan quản lý nhà nước

Bộ Giao thông - Vận tải đang đề xuất Bộ Tài chính sử dụng nguồn ngân sách nhà nước duy tu, nạo vét khẩn cấp một số điểm cạn trên luồng Soài Rạp. Ngoài ra, tiến hành khảo sát khu vực tàu chìm để nghiên cứu đo đạc và có thể nạo vét khẩn cấp, tạo 1 luồng tạm để tàu hàng hải lưu thông một chiều trên luồng Lòng Tàu với sự hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết:

 

"Về phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cơ quan quản lý, cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt làm sao trục vớt con tàu trong thời gian sớm nhất. Hoặc ít nhất cũng tạo ra luồng tạm để hàng hải một chiều cho các tàu trọng tải lớn. Còn các tàu nhỏ tiếp tục di chuyển trên luồng Soài Rạp bình thường để giảm thiểu thiệt hại".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định, đây là sự cố ngoài mong muốn nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải, chủ tàu, chủ cảng và cả cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp việc giải phóng luồng bị kéo dài bất khả kháng, các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ có những cơ chế chính sách để chia sẻ, hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân doanh nghiệp có liên quan ./.