Hàng không tăng trưởng quá nóng: Mừng ít, lo nhiều

Sản lượng khách nội địa qua cảng hàng không tháng 6 tăng gần 40% so với trước khi bùng phát dịch COVID. Trung bình mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất, Tp.HCM và sân bay Nội Bài phục vụ trên dưới 100 nghìn lượt khách.

Trên 18% số chuyến bay bị hủy và chậm chuyến trong tháng 6. Nhiều sân bay bị quá tải khu vực check in, sân đỗ, gây ùn tắc cả trên bầu trời và dưới mặt đất.

Hàng không tăng trưởng quá nóng có thể gây ra những ảnh hưởng như thế nào? Cần phải làm gì để kiểm soát tình trạng này, đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ?

Diễn đàn 91: “Hàng không tăng trưởng quá nóng: Mừng ít, lo nhiều”, phát sóng trực tiếp từ 16h - 17h, thứ Bảy (23/7/2022) trên tần số FM 91MHz của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM, nghe online trên trang điện tử: vovgiaothong.vn.

Các vị khách mời tham gia chương trình: GS.TSKH Nguyễn Đức Cương - Phó Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam và ông Tạ Minh Trọng - Trưởng phòng tiêu chuẩn an toàn bay, Cục hàng không Việt Nam 


Tăng trưởng mạnh, nhiều cảng vượt quá công suất thiết kế

Tất bật cho chuyến đi du lịch cùng với gia đình, lo sợ có thể bị chậm trễ chuyến bay, chị Nguyễn Thị Mai, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thuê xe đi từ nhà rất sớm.

Thế nhưng, chị Mai vẫn không thể tưởng tượng nổi cảnh đông đúc, chật kín người tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: "Tôi thấy rằng, quãng thời gian đi từ lối vào sân bay đã xảy ra ùn tắc rồi. Khi vào sân bay lại phải đứng chờ đợi thủ tục checkin, xếp hàng ùn ứ ở đấy rất lâu. Sau đó khi lên máy bay cũng rơi vào tình trạng delay. Một lần nữa lại phải chờ đợi. Đúng là chặng đường rất dài và mệt mỏi".

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021, riêng thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách. Sự tăng trưởng mạnh về lượng hành khách đi máy bay  khiến các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị quá tải nhiều hơn.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Cảng phục vụ 75 nghìn lượt cất hạ cánh với sản lượng hành khách khoảng 10,5 triệu lượt. Giai đoạn cao điểm, sản lượng hành khách vượt ngưỡng 100 nghìn lượt khách / ngày.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định, hệ thống đường lăn, sân đỗ của đơn vị vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu  cầu cất hạ cánh ngay cả trong thời gian cao điểm, tình trạng quá tải chủ yếu xảy ra ở khu vực nhà ga T1.

Dù Cảng đã huy động toàn bộ nhân lực và thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải tỏa ùn tắc khu vực trong và ngoài cảng song vẫn đối mặt với không ít áp lực, nhất là quá tải sân đỗ ô tô: 

"Công suất thiết kế của nhà ga hành khách T1 là 15 triệu lượt hành khách/ năm, công suất trung bình ngày khoảng 41 nghìn lượt hành khách/ ngày, nhiều thời điểm tăng gấp đối công suất của nhà ga T1. Với dự báo sản lượng hành khách sẽ tiếp tục tăng nhanh như hiện nay sẽ là một áp lực rất lớn lên cảng", bà Ngân cho biết.

Tình trạng tương tự xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Trong tháng 6, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay  lên tới 18%. Nhiều chuyến bay bị delay nhiều lần, đơn cử như trường hợp hãng Vietjet delay tới 4 lần chuyến bay TP.HCM đi Hà Nội, từ 9h sáng đến 16h35 trong ngày 4/6. Chị Phương An, trú tại Bình Dương phản ánh:

"Trong suốt mấy tiếng đồng hồ như tôi ở Bình Dương đi với 3 cháu nhỏ, nheo nhóc, mấy tiếng ở sân bay. Khi bị delay hành khách bức xúc và yêu cầu gặp đại diện hãng máy bay nhưng hãng trả lời chúng tôi thấy rất vô trách nhiệm".

Sản lượng hành khách tăng đột biến, tần suất bay nhiều hơn trong khi số lượng nhân viên hàng không hạn chế khiến nhiều hành khách lo ngại về công tác đảm bảo an toàn cho hành khách và các chuyến bay. Chị Bùi Thị Thu bày tỏ lo ngại:

"Vấn đề an toàn không chỉ tôi mà nhiều khách hàng thường xuyên đi máy bay lo ngại vấn đề này vì số lượng khách quá tải như thế dẫn đến delay. Khi mà chuyến bay dầy hơn như thế thì việc bảo trì bảo dưỡng máy bay không có việc kiểm tra kĩ lưỡng dẫn đến mất an toàn".

Cũng theo bà Ngân, mặc dù sản lượng tăng trưởng mạnh song các sự vụ liên quan đến an toàn bay tăng so với 2 năm có dịch covid song vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Cảng hàng không và có chiều hướng giảm nhẹ so với năm 2019. 

Đa số là các sự vụ tàu bay va phải chim ngoài khu vực cảng, sự cố về lốp, còn các sự vụ liên quan đến thả diều và đốt rơm rạ của người dân sống giáp ranh tại khu vực cảng giảm mạnh.

Các vụ việc liên quan đến xe dù, cò mồi cũng giảm đáng kể so với trước đây khi lực lượng công an, cảnh sát, lực lượng quốc phòng cũng vào cuộc xử lý

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã liên tục đề cập một số hành khách có những hành vi như nhảy múa quay clip gần khu vực máy bay đỗ, quay clip săn mây trên máy bay hay mang dao gọt hoa quả lên máy bay.

Điều này đặt ra câu hỏi, có hay không tình trạng nhân viên hàng không bị quá tải nên chưa thể kiểm soát được hết những nguy cơ mất an toàn?


Thúc đẩy các dự án hạ tầng hàng không, “gỡ” khó cho các cảng

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, để  giải quyết tình trạng đông đúc, quá tải tại các nhà ga, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực, phối hợp với các cơ quan chức năng ngoài đơn vị cải tạo, sửa chữa trang thiết bị, hạ tầng, thay đổi quy trình phục vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành hoạt động. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, Cảng Nội Bài đề xuất:

"Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang đầu tư nghiên cứu hệ thống thu phí không dừng để tăng năng lực thông xe, giảm tối đa tình trạng ùn ứ tại các lối ra vào sân đỗ ô tô. Chúng tôi đang làm hồ sơ trình Bộ GTVT cho phép điều chỉnh cục bộ bố trí thêm 1 sân đỗ ô tô nữa để phục vụ cho hành khách đi tàu bay".

Đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, năm 2020, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 công suất 20 triệu hành khách/ năm, thời gian hoàn thành 37 tháng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan tới quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong sân bay.

Còn dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng hoàn thành hồi tháng 4, nhưng do 12 ụ bêtông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay nên ảnh hưởng tới hoạt động khai thác các máy bay cỡ lớn.

Tại cuộc họp ngày 9/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương, cơ quan phối hợp chặt chẽ, hoàn thành các thủ tục bàn giao đất trong tháng 7/2022 , giải phóng 12 ụ bê tông trong quý III/2022, đồng thời phấn đấu hoàn thành việc xây dựng mới các ụ bê tông trong quý III/2022 theo tinh thần vừa sử dụng cho quốc phòng, vừa sử dụng cho mục tiêu dân sự - kinh tế.

Theo ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội, để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay và đảm bảo an ninh, an toàn của các chuyến bay, trước hết cần phải làm tốt công tác dự báo sản lượng hành khách và thúc đẩy các dự án hạ tầng hàng không :

"Sân bay Long Thành, gắn với sân bay vệ tinh như sân bay Cần Thơ và các sân bay phía nam, tôi nghĩ về chiến lược nên tăng tốc đầu tư sân bay Long Thành càng sớm càng tốt để chia sẻ với thành phố HCM. Còn sân bay Tân Sơn Nhất bị ách tắc, quá tải nhưng sân bay Cần Thơ không thể chia sẻ được. Ngoài ra cũng cần tính toán đến bay Biên Hòa".

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV),tính đến 14/7, khối lượng thi công san nền tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt khoảng 13,5 triệu m3, còn 87 triệu m3 cần hoàn thành. Trong đó, việc san nền cho nhà ga đã xong. 

Đến nay hầu hết các khu vực thi công chính đã cơ bản được UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao. Đến hết ngày 13/7, ACV đã nhận bàn giao 1 nghìn 746 hecta của khu vực xây dựng dự án, còn lại khoảng 64 ha đang được UBND huyện Long Thành tiếp tục xử lý.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu đến 30/8 phải hoàn thành đóng cọc móng để tháng 10/2022 khởi công nhà ga hành khách và phấn đấu đến 30/7 hoàn thành phê duyệt thiết kế nhà ga:

"Nếu không xong thiết kế vào 30/7 thì chưa thể thực hiện đấu thầu, ảnh hưởng đến tiến độ khởi công nhà ga vào tháng 10/2022, cũng như ảnh hưởng đến việc đưa sân bay vào hoạt động vào năm 2025.

Vì vậy đến 30/7 mà không xong được thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm. Đến cuối năm nay, toàn bộ công trường khu vực xây dựng 1.810 ha phải sôi động, đây là cơ sở, tiền đề để đưa dự án vào khai thác năm 2025".