Hà Nội vẫn kiên quyết đóng cửa sân bay Nội Bài: 'Khóa cứng' 2 đầu kết nối

Dù Cục Hàng không VN nhiều lần kiến nghị, Bộ GTVT cũng đã xây dựng kế hoạch khôi phục mạng bay nội địa và rất nhiều địa phương phía Nam đã nhất trí, song đến hôm nay, Hà Nội vẫn kiên quyết chưa mở cửa trở lại sân bay Nội Bài.

Điều này đang khiến nhiều hoạt động giao thương, đi lại bằng đường hàng không và kế hoạch sản xuất kinh doanh bị đình trệ ở cả hai đầu Nam - Bắc.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hà Nội vẫn kiên quyết đóng cửa sân bay Nội Bài (Ảnh nh họa: Thanh Niên)

Gần 2 tháng sau ngày bố mất vì COVID-19, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) rất mong mỏi ngày TP.HCM dỡ lệnh giãn cách xã hội để bay vào chịu tang. Song khi nghe thông tin Hà Nội vẫn kiên quyết chưa mở cửa sân bay Nội Bài, ông Bình càng sốt ruột bởi việc công, việc riêng bị ảnh hưởng:

"Tạm thời trước mắt không thể nào vào được, ông cụ mất thì cũng phải đợi bao giờ bay được mới dám bay. Công việc thì cũng không nắm được sát tình hình hiện trường lắm, dù sao cũng có đội hiện trường người ta báo cáo trực tuyến về, nhưng cũng không thể bằng việc vào đến tận nơi".

Cũng bị ách tắc công việc bởi không thể có mặt tại hiện trường, ông Hà Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất (Bắc Giang) cho hay, ngoài hoạt động giao vận từ Hà Nội đi TP. HCM, sang Thái Lan, đơn vị cũng tham gia các hoạt động khai thác mỏ, san lấp mặt bằng tại thị trường phía Nam. Mặc dù việc thương thảo hợp đồng, tổ chức sản xuất đã được thực hiện qua mạng, qua kết nối trực tuyến, song nhiều trường hợp yêu cầu sự có mặt của đơn vị đối tác cũng đành gác lại:

"Phải nhiều việc thực tế, có những đàm phán không thể nói điện thoại mà hết được, phải vào kiểm tra thực tế chứ không kiểm tra thì không biết như thế nào cả. Đi lại không nên cấm đoán như thế", ông Hà Xuân Quỳnh cho biết.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP. HCM cho rằng, không chỉ tại TP. HCM mà cả những doanh nghiệp trong khu vực, từ Đồng Nai, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay, khi bắt đầu nới lỏng, việc đi lại bằng đường hàng không lại bị “chặn”, khiến kế hoạch của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng:

"Đã xác định sống chung với dịch là phải vaccine, phải khoảng cách, kiểm soát điểm đến của con người là được rồi, chứ mỗi ông một kiểu, ra văn bản rồi ai cũng cấm được hết, trong khi bao nhiêu công nhân ngồi chờ một cái xe nguyên liệu hoặc thành phẩm".

Đa phần các địa phương có phản hồi đã đồng thuận với đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các tỉnh thành của Cục Hàng không Việt Nam

Dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 là từ 1/10 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, thích ứng linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sự cẩn trọng quá mức của chính quyền TP. Hà Nội, nhất quyết không mở cửa sân bay Nội Bài đang ảnh hưởng không chỉ tới một địa phương. Nếu mỗi địa phương đều có quy định riêng thì không thể nói đến thích ứng linh hoạt trên phạm vi cả nước được:

"Đóng cửa hàng không ở Nội Bài hay không thì không phải chỉ quyền hành của TP. Hà Nội nữa, mà do cấp có thẩm quyền, cấp trên của TP. Hà Nội nữa, tại Hà Nội đây là tập trung, là Thủ đô của cả nước. Ví dụ dân ở phía Nam muốn ra Hà Nội đi bằng cái gì? Cán bộ muốn ra Hà Nội họp đi bằng cái gì?", Phạm Văn Hòa nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội cũng cho rằng, khi cả nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, trong đó chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định thì mọi kế hoạch của các địa phương cần nhìn về một hướng, nếu không dễ dẫn đến tình trạng hỗn độn:

"Nếu chúng ta bất nhất, chỗ làm thế này, chỗ làm thế kia, nghĩa là không cùng một tầm nhìn sẽ dễ dẫn đến rối loạn về mặt chiến lược, lúc đấy sẽ rơi vào nguy cơ mà các nhà xã hội học gọi là tổng giá trị thu về bằng không, nghĩa là bên này làm được chút xíu thì bên kia theo chiều âm, cuối cùng những thành tựu đổ bể hết".

Các ý kiến cũng cho rằng, sự cẩn trọng của Hà Nội đang đặt mục tiêu kiểm soát dịch lên trên hết, mà bỏ qua các lợi ích khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của một khu vực, mà của cả nước và ảnh hưởng đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế được đặt ra lâu nay.