Hà Nội: Nhiều người vẫn thờ ơ với khẩu trang tại nơi công cộng

Bắt đầu từ ngày 15/11, hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng. Đây là một trong những quy định mới, nổi bật của Nghị định số 117 của chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế...

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người không thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cũng được điều chỉnh tăng nhiều lần

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong những ngày cuối tuần vừa qua, những lời nhắc nhờ người dân đeo khẩu trang như thế này liên tục được vang lên tại 15 chốt trực và các tổ lưu động quanh không gian đi bộ Hồ Gươm.

Theo ghi nhận của PV, đa số người dân khi đi dạo quanh khu vực Hồ Gươm đã chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang. Thế nhưng cũng không khó để bắt gặp trường hợp không đeo khẩu trang, hoặc đeo theo cách đối phó nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

- "Hiện tại trong không gian đi bộ yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang, chị nào có khẩu trang thì đeo vào còn nếu không có khẩu trang thì mời các chị ra ngoài".

- "Bọn mình vừa bỏ khẩu trang ra để chụp ảnh xong rồi quên…"

- "Cô vừa mới chụp ảnh nên cô bỏ khẩu trang ra, cô phải mang khẩu trang đi lên tục đấy chứ".

Ông Lê Anh Quân, người dân sống tại phường Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trong những ngày qua, lực lượng chức năng tại phường và quận đã tuyên truyền rất nhiều về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Thế nhưng, nhiều người dân khi đến phố đi bộ hồ Gươm và các địa điểm trung tâm phố cổ vẫn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở này.

“Sáng nay có rất nhiều chốt đứng hô hào, người dân không đeo khẩu trang vẫn rất nhiều. Lâu rồi không có ca mắc bệnh COVID-19 nên họ chủ quan”, ông Quân nói.

6 phường xung quanh hồ Gươm tổ chức chốt trực có sự tham gia của Lãnh đạo UBND phường để chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm

Để đảm bảo người dân tham gia phố đi bộ và khu vực phụ cận phải thực hiện đeo khẩu trang đúng theo quy định, tại 15 chốt trực của quận Hoàn Kiếm đều được bố trí tại các lối ra vào bên trong khu vực hồ Gươm.

Mỗi chốt đều có đầy đủ các lực lượng như: công an, dân phòng, cán bộ y tế, đoàn thanh niên và lãnh đạo phường để nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang. 

Ngoài ra, 6 phường xung quanh hồ Gươm đã tổ chức chốt trực có sự tham gia của Lãnh đạo UBND phường để chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bà Đặng Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết: “UBND phường đã ra các biện pháp triển khai đồng bộ từ công tác tuyên truyền, đến thành lập các tổ công tác, để đi tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp không thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Triển khai toàn bộ pano, các thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, các nhóm zalo của các tổ dân phố và tại các chốt và không gian đi bộ quanh hồ”.

Mức phạt theo nghị định mới là từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ giúp người dân nâng cao ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch

Bà Đinh Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trong thời gian qua, phường Lý Thái Tổ đã xử phạt 35 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Việc xử phạt thường chỉ áp dụng với các trường hợp cố tình chống đối các quy định phòng chống dịch nơi công cộng, không tuân theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, còn lại đa số là nhắc nhở để người dân tự chấp hành, nâng cao ý thức trong phòng chố dịch bệnh.

“Cũng có một số người dân thực hiện đeo khẩu trang đối phó, khi ra khỏi chốt trực người dân lại cho khẩu trang xuống, thậm chí cất đi, đối với các bạn trẻ khi bị nhắc nhở các bạn đó mới lấy khẩu trang từ túi ra và tiếp tục đeo. Sau khi các lực lượng đã thông tin tuyên truyền rồi mà không chấp hành thì chúng tôi cũng sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Yến cho biết.

Có thể thấy, mức phạt theo nghị định mới là từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ giúp người dân nâng cao ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch.

Nghị định mới 117 cũng tăng mức xử phạt của cá nhân nếu không thông báo cho UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bản về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, dù áp dụng xử phạt ở mức độ nào đi nữa, thì ý thức tự phòng chống dịch của người dân vẫn là yếu tố tiên quyết để người dân tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cả cộng đồng.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: