Hà Nội gắn biển thông báo mức phạt giao thông, người dân nói gì?

Như VOVGT đã thông tin, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội vừa lắp đặt hàng loạt biển báo tuyên truyền, thông báo mức phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168 , đặc biệt là các hành vi: vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn...

Người dân, người tham gia giao thông có suy nghĩ gì về hình thức tuyên truyền này? 

NÊN CÓ KÍCH CỠ LỚN HƠN

Ghi nhận thực tế tại ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt, một trong những nút giao vừa được gắn biển báo về mức phạt giao thông. Tại đây, biển thông báo có màu đỏ, chữ vàng được treo lên cột đèn tín hiệu, ngay cạnh vạch dừng chờ đèn đỏ.

Nội dung của biển báo là những lỗi vi phạm phổ biến cùng mức xử phạt để người dân nắm bắt được thông tin. Nhiều người tham gia giao thông tại đây cho biết, tấm biển vừa cung cấp thông tin vừa như lời nhắc nhở về mức xử phạt để họ không dám vi phạm:

"Mình nhìn biển, nhìn giá tiền, nó nhắc mình trong đầu là mức phạt 6 triệu để không ai dám vượt đèn đỏ, không dám chèn vạch. Để cái biển như thế thì người ta dừng đèn đỏ ngước lên là nhìn thấy, nếu to hơn như cái biển làn đường thì hợp lý, treo đừng cao quá, treo đúng tầm mắt thôi".

"Mình thấy chữ rõ ràng, dễ nhìn, giúp mọi người nắm được các thông tin mới để những người không sử dụng mạng xã hội, họ sẽ nắm được các thông tin này. Mình mong muốn nhân rộng những cái biển này để mọi người nắm được thông tin và nâng cao ý thức hơn".

Biển báo về mức phạt giao thông ở ngã tư Giải Phóng - Đại Cổ Việt

Mặc dù các tấm biển thông báo vừa được lắp đặt ở các ngã tư lớn đều ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy, có ý nghĩa tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp đến người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, các biển thông báo về mức phạt giao thông nên có kích cỡ lớn hơn để nhiều người tham gia giao thông dễ nắm bắt:

"Qua ngã tư Cửa Nam đã nhìn thấy tấm biển đó ghi ngắn gọn các nội dung xử phạt tăng nặng. Với số lượng phương tiện rất lớn ở các ngã tư nếu chỉ có tấm biển nho nhỏ như vậy thì số lượng người có thể quan sát và đọc kỹ là không nhiều. Nếu biển thông báo như vậy phát huy tác dụng thì hình thức tương đương phải như tấm biển ở đường vành đai 2 trên cao thông báo tình hình giao thông cho các phương tiện chủ động chuyển hướng".

Thường xuyên đi bộ qua ngã tư Cửa Nam, ông Nguyễn Văn Tiến (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá bất ngờ khi thấy biển báo mức phạt vi phạm giao thông đặt ngay vỉa hè ngã tư, hướng từ Nguyễn Thái Học về Hai Bà Trưng (Hà Nội). Dù khá dễ quan sát, nhưng ông Tiến cũng mong muốn chữ to hơn, dễ đọc hơn:

"Cái này người ta đưa ra thì tốt. Người ta làm như thế này thì ý thức người tham gia giao thông có thể nâng lên một bước nữa. Với lại biển này người ta cắm ở đây cũng là hợp lý thôi. Ví dụ như chúng tôi mắt mũi kém thì biển màu đỏ nhìn không rõ, ví dụ biển xanh nhìn sẽ rõ hơn, chữ càng to nhìn càng rõ thì mình chấp hành càng tốt hơn".

Nhiều người mong muốn biển báo chữ to hơn, dễ đọc hơn

Một số người đi bộ, đi tập thể dục cũng bày tỏ, việc tuyên truyền bằng biển báo giúp tăng khả năng tuyên truyền đến người tham gia giao thông qua các nút giao:

"Việc treo biển như thế này cũng là phương pháp tuyên truyền tới người dân có hiệu quả. Như tôi đi bộ qua, tôi sẽ chú ý tới biển đấy và dễ in vào tiềm thức".

"Cũng tốt, cái này nhiều người dân người ta sẽ để ý và người ta không dám vượt nữa. Nói chung biển to hơn thì cũng tốt, dễ nhìn thấy vì nhiều lúc đường đông người ta sẽ không để ý".

"Kích thước biển vẫn hơi khó nhìn cho người đi bộ, muốn nhìn được, người đi bộ phải dừng ở vạch đèn xanh đèn đỏ. Nếu chuyển nó thành những biểu tượng hay dấu tích quan trọng thì người đi đường dễ quan sát hơn".

GÓP PHẦN MINH BẠCH THÔNG TIN XỬ LÝ VI PHẠM

 Trước đó, trao đổi với báo chí về mục đích treo biển báo vi phạm giao thông, Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến, Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, các biển tuyên truyền được đặt tại những nút giao trọng điểm như Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ô Chợ Dừa, Đại Cồ Việt - Giải Phóng, là các vị trí có lưu lượng phương tiện lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Mục đích đặt biển nhằm giúp người dân nắm rõ quy định mới, nhận thức được mức phạt nghiêm khắc và điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông:

"Mục đích là giúp người dân nắm rõ quy định mới, nắm rõ các mức xử phạt theo Nghị định 168, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm nguy hiểm và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn nh trên địa bàn Thủ đô", Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến nói.

Các biển báo này góp phần tạo sự nh bạch thông tin xử lý vi phạm

Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc đặt biển báo mức phạt vi phạm giao thông sẽ giúp người dân, người tham gia giao thông nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về vi phạm giao thông. Ngoài ra, các biển báo này còn góp phần tạo sự nh bạch thông tin xử lý vi phạm:

"Khi họ phạt thì mức phạt được công khai ra, chứ nhiều khi do mức phạt không được công khai cho nên có những trục trặc xảy ra. Cho nên làm như thế cũng tốt. Tất nhiên, vị trí đặt biển cần lưu ý, để thế nào cho an toàn và cho người đi đường trông rõ".

Một số người tham gia giao thông đánh giá, việc lắp đặt biển tuyên truyền, kết hợp với tăng mức phạt các hành vi vi phạm giao thông sẽ góp phần xây dựng môi trường giao thông Thủ đô an toàn, văn nh. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn hướng tới xây dựng ý thức chấp hành luật lâu dài cho người dân.