Hà Nội: Để không còn cảnh đường biến thành “sông”, đi lại chật vật

Cơn mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập sâu, có nơi lên tới gần 1m. Hàng loạt ô tô, xe máy gặp sự cố, giao thông ùn tắc kéo dài.Nhiều người lo ngại ngập úng sẽ càng phức tạp hơn trong mùa mưa năm nay khi thời tiết diễn biến bất thường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

9h30 sáng, anh Nguyễn Mạnh Tùng, ở Hà Đông, Hà Nội vẫn đang ngồi chờ nước rút, sau khi đã gọi điện thoại đến công ty xin nghỉ làm trong buổi sáng nay. Đường Lê Trọng Tấn gần nhà anh, đoạn qua khu đô thị Nam An Khánh, “mênh mông biển nước” theo cả hai chiều đi, dù trước đây hiếm khi xảy ra tình trạng này:

"Chắc nó phải dài khoảng 200 - 300m, đoạn sâu nhất khoảng 40 - 50cm. Các phương tiện đứng lại không dám đi qua, cho nên kẹt xe rất nghiêm trọng, mình đứng ở đây 2 tiếng rồi.

Các cơ quan chức năng thoát nước ở đây chưa có mặt kịp thời để ứng cứu. Chắc là mọi người cứ đứng đây chờ mãi, nước rút thì mới đi được", anh Nguyễn Mạnh Tùng cho biết.

Người dân chật vật đi qua điểm ngập nước trên đường Lê Trọng Tấn. Ảnh: Khắc Chính

9 rưỡi sáng, anh Nguyễn Mạnh Tùng, ở Hà Đông, Hà Nội vẫn đang ngồi chờ nước rút, sau khi đã gọi điện thoại đến công ty xin nghỉ làm trong buổi sáng nay. Đường Lê Trọng Tấn gần nhà anh, đoạn qua khu đô thị Nam An Khánh, “mênh mông biển nước” theo cả hai chiều đi, dù trước đây hiếm khi xảy ra tình trạng này:

"Chắc nó phải dài khoảng 200 - 300m, đoạn sâu nhất khoảng 40 - 50cm. Các phương tiện đứng lại không dám đi qua, cho nên kẹt xe rất nghiêm trọng, mình đứng ở đây 2 tiếng rồi. Các cơ quan chức năng thoát nước ở đây chưa có mặt kịp thời để ứng cứu. Chắc là mọi người cứ đứng đây chờ mãi, nước rút thì mới đi được", anh Nguyễn Mạnh Tùng cho biết.

Tại nhiều khu vực khác ở Hà Nội, đường phố cũng biến thành “sông” sau trận mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay. Các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm,… đều có lượng mưa trên 200mm; trong đó, riêng tại huyện Hoài Đức, lượng mưa từ 2 - 7h sáng nay lên tới gần 150mm. Hệ quả là hàng loạt tuyến đường như: QL32 qua huyện Hoài Đức, QL6 qua Yên Nghĩa, đường trục Mê Linh, khu vực Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên,… đều ngập sâu, giao thông tê liệt.

Đặc biệt, tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long - nơi cứ hễ mưa là ngập trong cả chục năm qua, hôm nay cũng ngập sâu tới gần 1m.
Dòng ô tô đứng im hàng cây số, người đi xe máy chật vật dắt xe, cô trò bì bõm lội nước đến trường:

"Hôm qua là chủ nhật nên việc chủ động vận chuyển đồ dùng cũng như thông báo đưa đón học sinh rất là khó khăn".

"Tôi lái xe 29 chỗ, cố đi qua nên chết máy nằm giữa đường".

"Tôi đã sống ở đây từ năm 2016. Ngập lụt gây ra rất nhiều phiền toái và khó khăn cho người dân, cũng như thiệt hại xe ngập rất là nhiều. Mong các cơ quan, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc cải tạo hệ thống thoát nước".

Nhiều phương tiện chết máy do ngập nước. Ảnh: Khắc Chính

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng Phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, bên cạnh mưa lớn thì một khó khăn khác là mực nước sông Nhuệ dâng cao, hệ thống thoát nước mưa tại khu vực phía Tây Hà Nội chủ yếu dẫn ra đồng ruộng, trong khi khu vực này có tốc độ đô thị hóa cao.

"Chúng tôi đã triển khai lực lượng công nhân, thiết bị, trạm bơm cục bộ để bơm nước ở các khu vực trũng úng ra ngoài, giảm mức độ ngập; phối hợp với các trạm bơm nông nghiệp để làm sao đưa nước ra nhanh nhất, giảm mực nước dâng cao trên sông Nhuệ; ứng trực 24/24h khi có mưa lớn xảy ra", ông Bùi Ngọc Uyên cho biết.

Ông Bùi Ngọc Uyên cho biết thêm, để ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp, ngay từ tháng 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thoát nước mùa mưa; duy tu, sửa chữa trang thiết bị, trạm bơm; tiến hành nạo vét hệ thống mương, sông, trục tiêu thoát nước chính; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tiêu thoát nước từ đô thị đến ngoại thành.

PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) cho rằng, kể cả những nước phát triển như Mỹ hay Nhật Bản, đường phố cũng có thể ngập nếu lượng mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, với Hà Nội - nơi thường xuyên ngập úng cục bộ khi mưa lớn, hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, thì các ban, ngành chức năng cần có phương án phòng chống sự cố, dự báo úng ngập do mưa. Từ đó có giải pháp trước mắt như lực lượng ứng trực và hệ thống bơm khẩn cấp, và lâu dài là quy hoạch đô thị và đầu tư cho hệ thống thoát nước.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống cảnh báo ở hai đầu những tuyến đường nước ngập sâu, để người tham gia giao thông chủ động vòng tránh, tránh sự cố và kẹt xe nhiều giờ đồng hồ./.