Hà Nội: Đảm bảo vệ sinh môi trường tại các vùng ngập lụt

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực tại huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất, Hà Nội bị ngập sâu suốt hơn chục ngày qua. Người dân mong công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sẽ được chính quyền thực hiện tốt.

Nước ngập sâu, kéo dài đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trong đó có gia đình ông Hoàng Công Quảng. Nước tràn vào nhà dù nền đã cao hơn 1m, người già và con cháu đã chuyển đến ở tạm nhà họ hàng, chỉ còn vợ chồng ông Quảng ở lại trông coi và dọn rác:

"Nước ngập không có chỗ ăn và chỗ đi tiểu tiện. Nước bẩn lắm, suốt ngày chỉ có vớt rác. Rác thải, rác rưởi, xác súc vật chết, cô đọng lại thối lắm. Xong đợt này cũng mong trung tâm y tế quan tâm thuốc men, y tế cho chúng tôi, thứ nhất là bệnh ngoài da, thứ hai là bệnh nhiễm khuẩn. Phải khử trùng chán đi rồi mới cho các cháu về được".

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, đã có 4 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh - Minh Hiếu)

Nhiều xã của huyện Chương Mỹ nằm ở vùng hữu ngạn sông Bùi. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, đã có 4 lần nước tràn qua đê hữu Bùi gây ngập lụt. Nguyên nhân được cho là tình trạng “lũ lùi” từ sông Hồng, sông Đáy.

Không điện, không nước, bị cô lập với thế giới bên ngoài, anh Nguyễn Hữu Hưởng phải chịu đựng ô nhiễm và ngồi chờ nước rút:

"Nước rút đến đâu mình dọn đến đó, chứ không thì đất nó khô lại, bám bẩn trên tường nhiều lắm, nếu không dọn thì không được. Rất là mùi, vì bãi rác ở đằng trước, mọi thứ bẩn từ bãi rác nó trôi hết về đây. Sau này mong chính quyền chuyển bãi rác đi được là tốt nhất."

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lê Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, sau khi đê Bùi được đắp cao lên 6,5 - 7m thì đây là lần ngập sâu đầu tiên kể từ năm 2018. Rút kinh nghiệm từ 6 năm trước, năm nay, ngay sau khi có công điện của Thành phố và Huyện về ứng phó cơn bão số 2, chiều 23/7, UBND xã đã liên hệ công ty môi trường đô thị Xuân Mai, vận chuyển toàn bộ rác thải tập kết tạm thời tại các điểm trước khi lũ dâng.

Người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh khi nước rút (Ảnh - Minh Hiếu)

Cũng theo ông Lanh, dù ngập lụt nghiêm trọng, nơi sâu nhất tới 3m, nhưng do sống trong vùng lũ nên chính quyền, bà con đã có kinh nghiệm và chủ động ứng phó. Nhiều tổ chức, cá nhân cùng gói cứu trợ của Huyện đã cung cấp nhu yếu phẩm kịp thời tới người dân:

"Nước đang bắt đầu rút khá nhanh. Chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, vận động các đoàn viên, hội viên cùng tất cả gia đình trong vùng ngập úng tiến hành vệ sinh, dọn dẹp, nước rút đến đâu vệ sinh ngay đến đó. Trung tâm y tế huyện đã hỗ trợ bình phun và các loại thuốc khử khuẩn. Chúng tôi đã tập kết 50 tấn vôi bột về rắc ở các điểm ngập úng sau khi nước rút để hạn chế phát sinh dịch bệnh ra môi trường."

Ngày 31/7, TP. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp các ban, ngành, tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa lũ, đặc biệt là công tác xử lý nguồn nước và môi trường.