Hà Nội: Đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu, siêu thị cam kết không tăng giá

Ngay sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành công điện triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, chiều và tối 18/7, khá đông người dân đến các siêu thị, Trung tâm thương mại để mua sắm, khiến nhiều quầy, kệ hết hàng...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của VOVGT, vào sáng 19/7, hàng hóa đã được lấp đầy. Tại một số siêu thị lớn, khu vực quầy thanh toán thậm chí vắng hơn ngày thường. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trước đó, chiều 18/7, tại buổi làm việc giữa, Sở Công thương Hà Nội với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, về phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, các đơn vị phân phối cho biết, đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 30-50%.

Các siêu thị, nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán ở thời điểm này, sẵn sàng mở cửa thêm giờ phục vụ người dân, ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG Retail cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm.

Ông Dũng khẳng định, các hệ thống bán lẻ đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với mức giá không đổi và người dân không cần tích trữ:

"Có thể khẳng định là không thiếu, ở đây vấn đề là do tâm lý người dân. Chẳng có ai mua 3-5 thùng mì tôm, cả nhà ăn có khi mấy tháng không hết, thế nhưng vẫn cứ mua. Vấn đề là cần giải quyết yếu tố tâm lý, chứ không phải thiếu đồ ăn hàng ngày. Nếu người dân mua đủ để ăn thì hàng hóa không thiếu. Chính vì vậy công tác truyền thông giúp người dân bình ổn tâm lý là rất quan trọng".

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, từ sáng 18/7, lượng khách tới siêu thị đông hơn ngày thường, lượng hàng mua tăng từ 30 - 40%. Tuy nhiên, do dự trù trước lượng hàng hóa gấp 3 lần nên siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu: "Tại ền Bắc, hiện tại trung tâm phân phối Bắc Ninh của chúng tôi lượng hàng hóa rất dồi dào và đầy đủ, cả về hàng tươi sống cũng như hàng khô. Để đảm bảo cung ứng cho thị trường Hà Nội hiện tại, chúng tôi có 6 siêu thị Co.opmart và trên 40 cửa hàng Co.op Food do đó lượng hàng hóa rất dồi dào".

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, thành phố đã xây dựng kịch bản và lượng hàng hóa phục vụ các khu vực bị cách ly theo cấp độ từ 1 đến 5 để đảm bảo cung ứng trong mọi tình huống. 

"Tại thời điểm này Hà Nội tương đối yên tâm với nguồn hàng đang dự trữ ở mức tăng trưởng từ 30% đến 50%. Nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng 1 vài ngày thì khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào, ít nhất trong 7- 9 ngày sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân. Hầu hết các hệ thống đều có sự chủ động về nguồn hàng, kho dự trữ tại tỉnh, cũng như dự trữ tại hệ thống phân phối, đảm bảo cung ứng ngay khi sức mua tăng nóng".

Đại diện Sở Công thương cũng cho hay, Sở đã đề nghị Tổng công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ kho tới điểm bán trên toàn thành phố, phối hợp với cục Quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá.

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: