Hà Nội: Còn 31 chung cư vi phạm về PCCC, 3 trường hợp sẽ bị điều tra

VOVGT-TP. Hà Nội còn 31/79 chung cư chưa khắc phục xong các vi phạm quy định về PCCC, trong đó có 3 trường hợp chây ì, không khắc phục sai phạm...

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, nhà chung cư cao tầng vẫn là đối tượng có nguy cơ cao xảy ra cháy - Ảnh: An ninh Thủ đô

Theo An ninh Thủ đô, trong sáng nay (3/4), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018. Đại tá Nguyễn Văn Sơn – PGĐ Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trong quý 1/2018, Hà Nội có hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, bị thương 18 người, thiệt hại tải sản 31 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm ngoái thì giảm 83 vụ cháy, bằng số người chết và giảm 2 người bị thương. Về địa bàn, tỷ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%. Có thể nói, tình hình cháy trên địa bàn Hà Nội 3 tháng đầu năm nay được kiềm chế, diễn biến ít phức tạp hơn so với cùng kỳ năm 2017.

>>> Danh sách 79 dự án bị Hà Nội khuyến cáo người dân không nên mua nhà

Trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 30 sự cố cháy nổ xảy ra tại các công trình nhà cao tầng. Mặc dù không gây ra hậu quả về người nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Đại tá Nguyễn Văn Sơn còn cho biết, sau khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina ở TP. HCM, tâm lý của người dân sống ở các nhà chung cư cũng có nhiều bất an.

Trước thực trạng đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ tổng ra soát kiểm tra 100% các công trình nhà cao tầng. Tại Hà Nội, hiện có trên 1.100 công trình tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình là nhà tái định cư.

Đối với các công trình mới, đang thi công hiện nếu vi phạm nghiêm trọng về PCCC sẽ đề xuất, phối hợp với các quận huyện kiên quyết không cho thi công. Với các công trình có vi phạm nhưng đã có người ở thì một mặt xử lý kiên quyết, mặt khác yêu cầu nhà đầu tư phải tăng cường hơn nhân lực trong thời điểm chưa khắc phục được các tồn tại về PCCC theo quy định.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn nói thêm: “Tòa nhà tồn tại khoảng 50 năm, nếu hệ thống PCCC được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì theo đúng quy định thì tốt nhưng chỉ cần một ngày có sự cố, mà đúng thời điểm đó lại xảy ra cháy thì chúng ta không thể lường trước được hậu quả. Cho nên, chúng tôi vẫn đánh giá đối với nhà chung cư và công trình cao tầng thì đây là đối tượng nguy cơ lớn trong công tác đảm bảo PCCC”.

Hà Nội còn 31 chung cư cao tầng vi phạm về PCCC. Ảnh: Hà Nội Mới

Cũng theo Đời sống và pháp luật, ngoài 79 chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy – chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thì vẫn còn 31 công trình tồn tại vi phạm, quy định. Trong số 31 công trình này, thì có 15/31 công trình có khả năng khắc phục vì đã xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC). Sự phối hợp giữa cơ quan quy hoạch, cấp phép xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ, nhiều công trình tổ chức xây dựng trước sau đó mới xin cấp phép PCCC nên có một số bộ phận yêu cầu về PCCC không đáp ứng.

Đối với các công trình này, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.

Một vụ cháy ở chung cư Xa La - Ảnh: Vietnamnet

Như Vietnamnet đưa tin, có 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm nhưng 3/16 công trình còn lại đang chây ì, không thực hiện khắc phục gồm: chung cư CT 4 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT 5 A,B Văn Khê và chung cư CT 6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê) do Công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.

Đối với 3 chung cư trên, Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội đã hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại, đồng thời ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với các khu vực vi phạm trong các công trình này.