Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội vừa có báo cáo kết quả giai đoạn 1 và 15 ngày giai đoạn 2 thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, các đơn vị thực hiện theo nguyên tắc triển khai phải kiên trì, bài bản và tổ chức thực hiện tuân thủ với 3 giai đoạn. Cụ thể:
Giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15/2 - 28/2);
Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1/3 - 30/3);
Giai đoạn 3, là giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 30/3 - 1/11).
Kết thúc giai đoạn 1 và 15 ngày của giai đoạn 2, với yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu” làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm, bộ mặt đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với các trường hợp chống đối được lực lượng chức năng kiên quyết cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 14.252 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt thành tiền 9,7 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, dừng đỗ sai quy định và vi phạm tải trọng.
Ngoài ra, về vi phạm về trật tự đô thị, đã kiểm tra, xử lý 5.921 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 2,65 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa; trong đó, cưỡng chế vi phạm đối với 310 trường hợp, xử lý 35 trường hợp tái phạm.
Cũng theo Ban Chỉ đạo 197, một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: Hoàng Mai (959 trường hợp), Nam Từ Liêm (659 trường hợp), Hà Đông (540 trường hợp), Thanh Trì (448 trường hợp).
Về tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 197 đánh giá các chuyển biến về trật tự đô thị chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. 9 quận nội thành bị nhắc nhở về các hạn chế này gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân.
Một số địa phương bị nhắc nhở do kết quả kiểm tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình vi phạm trên địa bàn, như quận Cầu Giấy (mới xử lý 89 trường hợp vi phạm), quận Tây Hồ (79), huyện Đan Phượng (9).