Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới

Hải Hà: Thứ tư 30/10/2024, 10:54 (GMT+7)

84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động. Đây là con số được công bố tại hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng do Bộ Y tế tổ chức vào chiều qua (29/10).

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tập trung ở giới trẻ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam, chiếm 84% tỷ lệ tử vong, là gánh nặng đối với nền kinh tế và xã hội. Phòng chống bệnh không lây nhiễm là nhiệm vụ hàng đầu, thông qua việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bao gồm sử dụng thuốc lá.

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, triển khai các biện pháp kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam có giảm nhưng chậm. Năm 2021, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành ở Việt Nam là 20,8%, tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn ở mức cao 41,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới, nữ 0,6%).

Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Thiệt hại về y tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động (bao gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm từ hút thuốc lá) chiếm tới 1,14% GDP, tương đương 108,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế do thuốc lá mang lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn bày tỏ lo ngại khi những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), thế hệ mới và tỷ lệ người sử dụng TLNN, TLĐT có xu hướng tăng, đặc biệt là ở giới trẻ.

Về thực trạng sử dụng TLĐT, TLNN, TS.BS Hà Mạnh Đức, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, năm 2020, sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi từ 15-24 với tỷ lệ 7,3%, nhóm tuổi từ 25-44 tuổi có tỷ lệ 3,2%.

Đối với người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,6% (nam giới 5,6%, nữ 1%), cao hơn mức tỷ lệ sử dụng thuốc lá nung nóng 0,8%. Điều đáng lo ngại, chỉ trong 2 năm, tỷ lệ học sinh từ 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử tăng nhanh, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

“Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ”, TS Hà Mạnh Đức nhấn mạnh.

Thạc sĩ, BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, Theo kết quả nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021 của  tổ chức IHME, năm 2021, Việt Nam có 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca do hút thuốc lá thụ động.

BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO)

BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO)

BS Nguyễn Tuấn Lâm cảnh báo, sử dụng TLĐT gây nhiều nguy cơ bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường như: gây suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn, các bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần kinh... Bên cạnh đó, TLĐT còn gây tác hại cấp tính,  có thể  dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotin và ngộ độc các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử.

Nguy hiểm hơn, hiện nay TLĐT có hàm lượng nicotine cao (có thể tăng liều nicontine lên hàng nghìn lần) và có thể bị trộn ma túy nên đặc biệt có hại đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên dưới 25 tuổi.

“Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh (Synapse), gây ra vấn đề về trí nhớ, tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, có thể dẫn đến  rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập; liên quan đến các rối loạn tâm thần”, BS Nguyễn Tuấn Lâm phân tích. 

Xuất hiện các các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất TLĐT, TLNN

Bên cạnh tình hình sử dụng TLNN, TLĐT gia tăng, tình hình mua bán, sản xuất TLNN, TLĐT diễn biến rất phức tạp. Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, năm 2022, Công an cả nước phát hiện, xử lý 178 vụ/ 215 đối tượng liên quan đến TLĐT/TLNN (trong đó khởi tố do phạm tội về ma tuý 43 vụ/ 71 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 1 vụ/1 đối tượng; xử  lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ 105 vụ/ 104 đối tượng).

Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an

Thượng tá Nguyễn Duy Trung, Phó trưởng Phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm về ma tuý, Bộ Công an

Năm 2023, Công an cả nước phát hiện, xử lý 439 vụ/ 516 đối tượng liên quan đến TLĐT, TLNN. 06 tháng đầu năm năm 2024, Công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ/ 83 bị can; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng TLĐT có chứa chất ma túy.

“Thuốc lá thế hệ mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn", Thượng tá Nguyễn Duy Trung bày tỏ lo ngại.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điếu có xu hướng giảm khoảng 50% trong vòng 5 năm, từ 4,67% năm 2014, giảm xuống mức 2,76% năm 2019 và 1,9% năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, từ mức 2,6% năm 2019, tăng lên 8 % năm 2023 (khảo sát tại 11 tỉnh thành).

“Điều đáng lo ngại, một số vụ học sinh bị ngộ độc TLĐT hoặc sử dụng TLĐT có pha trộn chất ma túy đã xảy ra trong trường học tại một số địa phương cho thấy tính chất nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá mới đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn trường học và an ninh, trật tự an toàn xã hội”, ông Huy cảnh báo.

Theo TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Điều này gây ra những tác động xã hội rất lớn.  Các sản phẩm TLĐT thế hệ mới đa phần sử dụng muối nicotine nồng độ cao, dễ được hấp thu, giảm kích ứng họng và dễ đưa được hàm lượng nicotine cao vào một sản phẩm kích cỡ nhỏ.

Hiện nay, nhiều sản phẩm có thể cho phép hút tới 3.000, 5.000 hay 8.000 lần. Muối nicotine là yếu tố chính dẫn tới tỷ lệ sử dụng TLĐT cao trong giới trẻ. Có bằng chứng đáng kể cho thấy TLĐT có nicotine gây nghiện ở người không hút thuốc và người trẻ dùng TLĐT có khả năng bắt đầu hút thuốc lá cao gấp 3 lần.

Trước những tác động về sức khỏe, kinh tế, xã hội của việc sử dụng TLNN, TLĐT, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng có hành động mạnh mẽ ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới.  Trước mắt là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cấm xe máy, góc nhìn từ những người đã bỏ xe máy

Cấm xe máy, góc nhìn từ những người đã bỏ xe máy

Hà Nội sẽ hạn chế ô tô, xe máy chạy xăng vào 5 khu vực phát thải thấp trong thành phố. Muốn di chuyển, các phương tiện phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, hoặc trả phí rất cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng định hướng việc tiến tới dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2030.

Xe máy va chạm xe tải trên đường Cầu Diễn, một người tử vong

Xe máy va chạm xe tải trên đường Cầu Diễn, một người tử vong

Vụ va chạm đáng tiếc xảy ra vào sáng nay (30/10) trên đường Cầu Diễn (Hà Nội) khiến một người nữ điều khiển xe máy tử vong tại chỗ, giao thông qua khu vực cũng bị ảnh hưởng.

Tai nạn trên đường Cổ Linh, một người đi xe máy tử vong

Tai nạn trên đường Cổ Linh, một người đi xe máy tử vong

Vào khoảng 11h35 trưa nay (30/10), một vụ tai nạn giữa một xe máy và xe tải đã xảy ra tại đoạn Cổ Linh, cách ngã tư Thạch Bàn (Hà Nội) khoảng 50m theo hướng đi QL5B, khiến một người tử vong tại chỗ.

Mùa đông không lạnh với “Cộng đồng ấm”

Mùa đông không lạnh với “Cộng đồng ấm”

Cứ đến dịp cuối năm, khi không khí lạnh tràn về, một nhóm những người trẻ lại tụ họp với nhau, lên phương án hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người vô gia cư, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.

Thu gom rác ở Hà Nội không khác mấy so với hàng chục năm trước

Thu gom rác ở Hà Nội không khác mấy so với hàng chục năm trước

Với một thành phố gần chục triệu người như Hà Nội, rác sinh hoạt sẽ luôn là một vấn đề lớn. Nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể nỗ lực để xử lý rác tốt hơn.

Giá rẻ, rủi ro cao: Cảnh báo từ thực tế mua sắm trên Temu

Giá rẻ, rủi ro cao: Cảnh báo từ thực tế mua sắm trên Temu

Những ngày qua, sàn thương mại điện tử Temu đã tạo nên một “làn sóng mới” trên thị trường Việt Nam với chiến lược giá rẻ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn ấy lại là những rủi ro không nhỏ mà người tiêu dùng phải đối mặt.

Lấn chiếm sau GPMB tại dự án thi công đường Tam Trinh và Lĩnh Nam

Lấn chiếm sau GPMB tại dự án thi công đường Tam Trinh và Lĩnh Nam

PV VOV Giao thông ghi nhận phản ánh từ người dân về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và một số diện tích vừa được giải phóng mặt bằng phục vụ thi công xây dựng các tuyến đường Tam Trinh và Lĩnh Nam trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) làm nơi kinh doanh buôn bán và tập kết vật liệu.