Hà Nội: Bảo đảm trật tự ATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

VOVGT-UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5..

Các ban ngành chức năng đã lên kế hoạch duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn

Nhằm thực hiện Công điện số 434/CĐ-TTg, ngày 6/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. UBND Tp. Hà Nội đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty vận tải Hà Nội đưa ra phương án tăng cường đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, chất lượng phương tiện để đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm, đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường tại các bên xe.

Bên cạnh đó, phải đổi mới phương thức bán vé, ngăn chặn việc đầu cơ vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, thuận lợi cho hành khách, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và có biện pháp xử lý về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, vi phạm về tốc độ, chở quá số người cho phép theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý các phương tiện, xe phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi xuất bến.

Các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô phải tập trung triển khai hiệu quả công tác duy tu, duy trì cầu, đường, sửa chữa kịp thời các hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; thường xuyên kiểm tra để bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu, nắp hố ga, nhất là trên các tuyến phố chính có mật độ phương tiện giao thông cao...

Tránh để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng kém chất lượng gây ra; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, bố trí người hướng dẫn giao thông, không gây ùn tắc, bảo đảm giao thông khi thi công các dự án.

Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cảnh sát giao thông đường thủy và các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24h kịp thời giải quyết các công việc có liên quan đến công trình giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn, giảm tối đa tai nạn và tình hình ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

Kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán gây mất an toàn giao thông, xử lý kiên quyết các điểm trông giữ xe trái phép, thu tiền quá giá quy định trên địa bàn Thành phố; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trực tiếp phụ trách địa bàn về các vụ việc xảy ra.

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa phải thực hiện nghiêm túc công tác sửa chữa các bến phà, bến tàu chưa đạt tiêu chuẩn khai thác theo quy định. Cung cấp bổ sung hoặc thay thế các thiết bị hướng dẫn giao thông đường thủy, áo phao và áo phao cứu hộ trên các phương tiện lưu thông đường thủy nội địa, các phương tiện vui chơi giải trí trên các sông, hồ đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia vui chơi giải trí.

Đồng thời, phối hợp cùng với Cục đường thủy nội địa và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm phương tiện đường thủy chở quá số người quy định, dùng phương tiện chở hàng để chở người, không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh, thuyền viên và người lái không có bằng chứng chỉ chuyên môn.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị của ngành đường sắt, đường thủy thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trên các tuyến đường giao thông nông thôn, các bến tàu, bến đò, cảng đường thủy trên các tuyến sông; kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn giao thông tại các vị trí nêu trên và phối hợp với các đơn vị quản lý để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tình trạng kỹ thuật, hệ thống đảm bảo an toàn của các phương tiện tham gia giao thông, kiên quyết xử lý và yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm, tuyệt đối không cho phép phương tiện lưu thông khi chưa khắc phục xong các hư hỏng theo yêu cầu kỹ thuật...