Gốm Chu Đậu – Tự hào thương hiệu Quốc gia 2020

Ngày 25/11 vừa qua tại Hà Nội, sản phẩm Gốm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tự hào được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2020.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Không chỉ hội tụ tinh hoa của nghệ thuật gốm, gốm Chu Đậu còn mang trong mình những nét thuần Việt riêng biêt của văn hóa truyền thống - Ảnh Báo Nhân dân

Chu Đậu là dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 12-13, phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ 14-15. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, từ sản phẩm từng bị thất truyền ở thế kỷ 17, gốm Chu Đậu đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngày 25/11 vừa qua tại Hà Nội, sản phẩm Gốm của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tự hào được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2020.

Trong lịch sử gốm cổ Việt Nam, hiếm dòng gốm nào có số phận gắn với nhiều thăng trầm như Chu Đậu. Tồn tại và phát triển rực rỡ trong gần 5 thế kỷ, song không rõ vì lý do nào, đến cuối thế kỷ 17, gốm Chu Đậu bỗng biến mất hoàn toàn. Phải tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ một phát hiện hết sức tình cờ, dòng gốm cổ của Việt Nam mới dần được khôi phục và hồi sinh.

Chia sẻ về quá trình làm sống lại dòng gốm trứ danh, ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu, thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro bày tỏ: “Gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm cổ cao cấp nhất của Việt Nam, vì thế men gốm rất đặc biệt. Trong quá trình khôi phục, việc tìm ra dòng men này rất vất vả. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, nay thuộc Tập đoàn BRG, đã đầu tư rất nhiều. Chúng tôi phải mời các chuyên gia, nghệ nhân về để nghiên cứu dòng men, đặc biệt dòng men tro. Sau quá trình tìm tòi, nhiều lần thất bại, cuối cùng công ty đã khôi phục thành công dòng men quý hiếm. Dòng men được tổ chức độc bản kỷ lục Việt Nam công nhận. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là dòng men duy nhất trên thế giới hiện nay”.

Gốm Chu đậu được các chuyên gia đánh giá rất cao từ dáng vẻ tới chất men. Họa tiết, hoa văn trang trí trên gốm thể hiện bằng nhiều hình thức như vẽ, khắc, đắp nổi, nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp phóng khoáng, hài hòa, tinh xảo. Đó thường là những khung cảnh thiên nhiên gắn với cuộc sống của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, đàn cá bơi dưới nước hay mái nhà tranh ven sông.

Mỗi sản phẩm gốm đều toát lên bản sắc văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ ngàn xưa.

Sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ trước khi đưa ra thị trường - Ảnh Báo Nhân dân

Nói về điểm đặc sắc của gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Thức chia sẻ: “Gốm Chu Đậu đặc sắc trước hết ở dòng men, bởi đây là men đốt từ vỏ trấu triết xuất để ra men, nên gốm có màu tro hanh vàng rất đặc biệt. Điểm đặc sắc thứ hai là nguồn nguyên liệu gồm đất sét lấy từ vùng địa linh nhân kiệt, và cao lanh đất Tổ Vua Hùng, nguồn nước lục thủy tứ trấn. Ngoài ra, tất cả hoa văn họa tiết trên gốm đều vẽ tay 100% dưới men. Khi vẽ xong, phủ một lớp men tro trấu tạo dòng men xoáy đồng tiền mà ai nhìn vào cũng biết là gốm Chu Đậu”.

Các hiện vật gốm Chu Đậu hiện đang được 46 bảo tàng nổi tiếng thế giới đang trưng bày, giới thiệu. Trong đó, chiếc bình gốm Hoa Lam còn được xem là báu vật tại bảo tàng Cung điện Tokapi, Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp nối hành trình phát triển, giờ đây, nhiều mẫu hoa văn, họa tiết vốn có niên đại hàng trăm năm vẫn đang được các nghệ nhân nghiên cứu, phục chế. Từ lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha vào năm 2003, đến nay gốm Chu Đậu đã xuất hiện tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sản phẩm gốm Chu Đậu cũng thường được chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ các quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn tổ chức tại nước ta, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nói về định hướng phát triển sắp tới, ông Nguyễn Hữu Thức cho biết: “Định hướng sắp tới của công ty sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn. Thứ nhất là đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa trong nước. Thứ hai là đẩy mạnh xuất khẩu, bởi xuất khẩu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Thứ ba là phát triển du lịch. Du lịch vừa mang tính quảng bá, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khách hàng đến tham quan, mua sắm sẽ hiểu biết sâu về Chu Đậu và yêu gốm của Chu Đậu hơn”.

Có thể nói, sau nhiều năm tưởng chừng bị lãng quên, gốm Chu Đậu lại đang từng ngày hồi sinh trên chính mảnh đất quê hương.

Với nét độc đáo của sản phẩm cùng những nỗ lực làm sống lại và phát triển dòng gốm cao cấp mang đậm bản sắc văn hóa Việt, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam” và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”.