Gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, vẫn còn nhiều nút thắt cần gỡ

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ chính thức được triển khai đến nay được hơn 1 tháng, tuy nhiên, việc giải ngân nguồn tín dụng ưu đãi này vẫn vô cùng gian nan.

 

Ảnh nh họa. Nguồn: Vietnamnet

"Khi nhận được thông tin có gói tín dụng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội gia đình tôi rất mừng và mong chờ mình có 1 cơ hội được sở hữu 1 căn nhà. Vừa rồi tôi đã cố gắng xếp hàng nộp hồ sơ mua dự án NHS Trung Văn nhưng mà để mua được căn hộ ở đây rất khó. Đồng thời, mức lãi suất so với thị trường tuy có thấp hơn nhưng thực tế khá là cao so với nguồn lực mà bản thân gia đình có. Tôi mong muốn nhà nước có thêm nhiều dự án như thế này để những người lao động như chúng tôi có được một căn nhà để ở, để an cư lập nghiệp".

"Tôi cũng có nghe thông tin về gói tín dụng này nhưng chắc là không được vay, vì có lẽ gói ưu đãi đó dành cho các dự án mới. Dự án này cách đây 5 năm rồi, đợt đấy chúng tôi cũng không được hưởng chính sách, đợt này chắc cũng không được hưởng mà vẫn theo chính sách cũ không được hưởng ưu đãi của gói này. Bây giờ tôi vẫn đang chờ xem có được xét duyệt không, nếu được xét duyệt lúc đó chủ đầu tư họ mới mời ngân hàng vào, lúc đó mới biết được chính sách như thế nào, tôi chưa có thông tin gì cả có được ưu đãi không và ưu đãi thế nào".

Nhu cầu của người dân thì cao nhưng dự án triển khai thì thấp khiến người dân thì thấp thỏm. Đó chỉ mới là một phần của những gian nan trong việc hiện thực hoá các dự án nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khi ban hành gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội, đồng thời sự tham gia tình nguyện của 4 ngân hàng thương mại là rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, tỉ lệ cho vay và lãi suất cho vay rất rõ ràng, đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm thấp hơn mặt bằng chung khoảng 2% góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay số dự án được phê duyệt đủ điều kiện làm nhà ở xã hội rất ít, để giải ngân được nguồn vốn này phụ thuộc rất lớn vào việc phải có dự án và quan trọng là phải có quỹ đất để làm nhà ở xã hội

"Ở đây quỹ đất sạch mới là điều quan trọng, vấn đề là cơ chế giải phóng mặt bằng hay cơ chế giao chủ đầu tư nếu không có sự linh hoạt, cũng như cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì tất cả mọi thứ cũng chỉ là kế hoạch. Doanh nghiệp mong muốn nhà nước và địa phương có cơ chế, quy định để tạo ra được quỹ đất sạch để triển khai nhà ở xã hội. Nếu chúng ta quyết liệt, nhiệt tình nhưng không có quỹ đất sạch thì tất cả đều chỉ là trên giấy hết", ông Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để hấp thụ được nguồn vốn ưu đãi này có rất nhiều vần đề cần phải giải quyết, đặc biệt cần gỡ nút thắt về thủ tục pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội.

"Thứ nhất phải thúc đẩy được các dự án nhà ở xã hội, vì phải có dự án thì mới có nhu cầu vay vốn từ gói này để phát triển. Bởi các dự án hiện nay đang còn nhiều vướng mắc, từ đất đai, thủ tục hồ sơ, rồi thủ tục quá trình chuẩn bị để tạo ra dự án nhà ở xã hội còn đang vướng nhiều lắm. Không có dự án thì rõ ràng không có sản phẩm nhà ở xã hội, người dân cũng không có lựa chọn để mua sản phẩm", ông Nguyễn Văn Đính cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho biết thêm, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các địa phương hiện rất hiếm hoi, mặc địa phương đã vào cuộc tích cực hơn, nhưng việc xử lý các vướng mắc liên quan đến đầu tư nhà ở xã hội chưa thực sự quyết liệt. Thậm chí nhiều địa phương cũng chỉ hô hào mang tính khẩu hiệu, hình thức, khiến các chủ đầu tư vô cùng “nản”.

Với các dự án nhà ở xã hội đã được duyệt đang triển khai thì hiện các ngân hàng thương mại cũng chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai, nên việc giải ngân gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Để gói tín dụng phát huy hiệu quả cần phải đẩy nhanh và tháo gỡ được các vướng mắc, rào cản liên quan đến thủ tục, hồ sơ để phát triển nhà ở xã hội./.