Những năm qua, việc đặt tên, đổi tên đường phố được thực hiện theo Nghị định 91 của Chính phủ. Tuy nhiên, tới nay nhiều tuyến đường bị trùng, nhầm lẫn về tên, và nhiều đường mới cần đặt hoặc điều chỉnh tên nhưng chiếu theo các quy định tại Nghị định 91 thì quỹ tên đường đã cạn. Vậy cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn trong việc đặt tên đường, phố hiện nay?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Có thời gian tham gia Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường phố của Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kiến Trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức luôn trăn trở trước sự gia tăng chóng mặt của những đường phố mới mở trong các khu đô thị cùng một khối lượng không nhỏ các đường trong các làng, xã trước đây nay trở thành phường, quận, phải tiến hành việc đặt và đổi tên cho phù hợp với quản lý đô thị:
"Chúng ta chủ trương dùng quỹ tên người nên quỹ tên đường cạn mà tên người đưa ra phải là những người có công, triệu triệu người biết.
Vì chúng ta thiên về cái tên nên chúng ta đang tự làm khó mình. Cho nên tôi đề nghị thay đổi quan điểm, chúng ta cần đặt tên đường dễ nhận biết, có tính phổ thông cao, mạch lạc và khoa học hóa".
Rõ ràng, sự phát triển chóng mặt của đô thị khiến nhu cầu đặt tên đường phố tăng lên nhưng việc triển khai không theo kịp; có những tuyến đường mở ra đã 10 năm mà chưa có tên, gây ra những khó khăn trong việc di chuyển, giao dịch đối với người dân:
"Ví dụ có khách muốn hỏi địa chỉ thì rất khó, chỉ biết là tổ bao nhiêu, con cái nhà ai thì biết chứ hỏi là đường nào thì chịu, địa chỉ mới không ai biết là thế nào cả,
"Đường phố không có địa chỉ gây nhiều bất cập, làm mất thời gian của người lái xe vì tìm địa chỉ nó không có hướng dẫn cụ thể; khách hàng cũng gặp khó vì không chủ động được địa chỉ nhà mình khi cần báo cho người khác đến".
"Tại sao cứ phải đặt tên theo địa danh, danh nhân...để đường phố mới mãi không có tên; trong khi nhiều người không thể nhớ hết được tên đường, tên phố. Sống ở thành phố này bao nhiêu năm nhưng vẫn phải tốn thêm thời gian, tiền bạc mỗi khi tìm đường".
Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, cùng tốc độ đô thị hóa nhanh thì số đường, phố, các công trình công cộng cần đặt tên tăng mạnh. Do vậy, để tìm ra địa danh, sự kiện, danh nhân điển hình để đặt tên không phải là dễ:
"Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội rất nhanh, liền theo đó nhu cầu đặt tên các đường mới, các khu đô thị rất lớn và đương nhiên với một quỹ tên đường phố đã có trên địa bàn Thành phố chưa thể đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa, và nó xảy ra tình trạng nhiều đường phố chưa được đặt tên".
Ông Tiến cho rằng, nhu cầu đặt tên đường phố ở toàn quốc hiện rất lớn vì quá trình đô thị hóa nhanh. Nếu không theo kịp thì người dân sẽ tự treo biển và sẽ thành không khoa học. Vì thế, đã đến lúc cần thay đổi Nghị định 91 của Chính phủ về việc đặt tên đường phố. Theo đó, quy định phải mở rộng ra như tên đường là phải có tên số chẳng hạn như Mỹ Đình 1, 2, 3.
Theo Nghị định 91/2005 của Chính phủ, một tên đường sẽ không được đặt khi còn gây tranh cãi. Cũng theo Nghị định này, các địa phương Hà Nội và TP.HCM khi đặt tên đường cần có thêm sự thẩm định của Bộ VH-TT-DL. Các Thành phố khác sẽ tự làm việc thẩm định này. Tiêu chí hiện nay là người có công với địa phương, đất nước.
Về tiêu chí này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến phân tích, có những địa phương số danh nhân ít nên không đủ quỹ tên để đặt tên đường:
"Quy định của chúng ta trong các điều kiện để đặt tên đường tự mình làm hạn chế đi. Tiêu chí đương nhiên phải có nhưng nó quá chung chung và nó cũng rất hạn hẹp.
Khi chúng ta chưa mở rộng tiêu chí ra thì có thể tìm thêm được nhiều hơn để quỹ tên đường sẽ nhiều hơn và chúng ta không còn phải lo lắng chuyện thiếu tên người để đặt cho đường".
GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu quốc hội (Đoàn Hà Nội) cho rằng, trước việc đặt tên đường, số nhà hiện rất lộn xộn, tùy tiện, rối rắm, đến Google map cũng không thể nhận ra thì cần xem lại toàn bộ cách đặt tên đường; từ đó xác định ra cách đặt tên phù hợp hoàn cảnh, điều kiện và sự phát triển rất nhanh của các đô thị:
"Trên thực tế, tên đường nên dùng con số để đặt sẽ dễ nhớ hơn. Có lẽ cần theo tư duy lại theo hướng mở rộng hơn dựa trên số để làm cơ sở cơ bản nhất để đặt tên đường.
Việc này cần đưa ra có một Hội đồng bao gồm nhiều nhà văn hóa, các nhà lãnh đạo để xem xét, cân nhắc tìm ra phương án".
Nhiều nhà văn hóa, lịch sử cũng lên tiếng, trước nay, việc đặt tên đường phố vẫn thường có nhiều tranh cãi khi sử dụng tên các danh nhân, người nổi tiếng.
Việc này cần nghiên cứu lại trên cơ sở khoa học hơn để có thể thành lập ngân hàng dữ liệu tên đường, phố. Khi có sự chuẩn bị một cách chủ động về nguồn tài nguyên tên sẽ giúp cho cơ quan chức năng chủ động và có nhiều sự lựa chọn hơn mỗi khi xuất hiện thêm những đường, phố mới.
Việc đặt tên cho đường phố dù đã có những quy định chặt chẽ với 11 bước và qua nhiều vòng lấy ý kiến nhân dân, thế nhưng thực tế để lập ra một “ngân hàng tên đường - phố” đang là chuyện rất khó khăn ở nhiều địa phương, nhất là những đô thị phát triển nóng về hạ tầng.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, trước nguy cơ quỹ tên đường đã cạn thì: "Để gỡ khó cần gỡ rối".
Việc đặt tên cho một con đường trước tiên nhằm giúp cho việc đi lại và giao dịch của người dân được thuận tiện, dễ dàng. Thế nhưng lâu nay chúng ta dường như đang chú trọng tên đường trên phương diện nó cần mang ý nghĩa sâu sa về giá trị văn hóa, lịch sử xã hội.
Việc cần sử dụng thêm nhiều tên người, tên danh nhân để đặt tên đường dần cho thấy nhiều bấp cập, gây nên sự băn khoăn về việc người đó có phù hợp hay không, người dân có biết người đó là ai hay không. Với những tên đường bị đặt trùng lặp đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm, đi lại của người dân và cả công tác quản lý hành chính.
Những tranh luận về việc chọn tên đường vẫn tiếp diễn trong khi các tuyến đường mới "mòn mỏi" chờ tên và quỹ tên danh nhân đã cạn chưa thể được bổ sung. Mặt khác, nếu chọn tên danh nhân mà không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, không theo một quy chuẩn nào sẽ dẫn tới những tranh cãi, hệ lụy và ngay cả mục đích tôn vinh cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, ở hầu hết các đô thị trên thế giới, danh nhân không phải là yếu tố duy nhất để lựa chọn khi đặt tên đường và thực tế nếu tiếp tục duy trì quy định này thì việc đặt tên đường phố sẽ không đáp ứng được sự thay đổi thực tế và nhu cầu của người dân.
Việc gỡ khó cho quỹ tên đường có thể bắt đầu bằng việc thay đổi quy định tên đường phố không nhất thiết phải dùng tên danh nhân.
Có hai cách mà thế giới vẫn thường áp dụng, hoặc đặt theo tên danh nhân, anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Cách thứ hai là đặt theo số, chữ cái để tìm trong hệ tọa độ đường ngang - đường dọc. Đường ngang theo số thứ tự tăng dần, còn chiều kia thì đặt theo bảng chữ cái để người dân dễ tìm.
Điều này cần sớm được điều chỉnh trong các quy định chính thức của Nhà nước để mở đường cho những người trực tiếp làm công tác đặt tên đường phố có hướng mở rộng, tìm kiếm cách đặt cho phù hợp:
Với những khu vực đường phố đã được đặt tên ổn định thì nên hạn chế sự thay đổi. Còn những khu vực, đường phố, khu đô thị mới thì việc đặt tên, bổ sung tên gọi cần sớm được hoàn thiện; thậm chí ngay khi chuẩn bị xây dựng con đường, tuyến phố đã phải tính đến chuyện đặt tên để người dân thích ứng.
Một bất cập nữa cần gỡ rối cho việc đặt tên đường là vấn đề dự báo và quy hoạch, bởi việc hình thành các khu đô thị mới nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết, sắp xếp tổng thể tên phố nên mỗi lần bổ sung như chỉ lấp đầy tên chứ chưa tạo ra bố cục các tên phố có ý đồ trước.
Do đó, cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, khảo sát để có sự chuẩn bị cho tên đường, tên phố một cách chủ động và kỹ lưỡng. Việc đặt tên đường và sự phát triển đô thị liên quan mật thiết với nhau.
Vì thế, trong quá trình đặt tên đường phố, phải làm sao cho dễ tìm, dễ nhớ, dễ hiểu và đặt kịp thời với sự phát triển của khu vực mới mở rộng. Cũng vì mục đích đó, mà tên đường cần đặt dựa trên những tiêu chí khoa học, logic, rõ ràng, tránh để tên đường: càng tìm, càng rối như hiện nay.