Giữ vững vai trò 'đầu tàu' của Vùng kinh tế trọng điểm (Bài 3): Không để vùng lõi công nghiệp 'nằm im'

Trên thực tế, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An là trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo lớn nhất cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp nhất. Đây cũng là vùng mà dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, gây thiệt hại nhiều nhất trong 4 tháng vừa qua

Nhưng, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì chính các tỉnh thành này cũng là nơi phục hồi sản xuất nhanh và mạnh nhất.

Để vùng lõi công nghiệp của cả nước không nằm im, rất cần vai trò đầu tàu của TP.HCM trong kết nối, thúc đẩy liên kết vùng chặt chẽ hơn bao giờ hết. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
TP.HCM là động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước

Liên kết vùng cả về tư duy lẫn hạ tầng

Có thể khẳng định, đợt đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã chỉ rõ ra điểm yếu về liên kết vùng TP.HCM và rộng ra là Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dù liên kết được xem là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội toàn vùng, nhưng thực tế sự liên kết lỏng lẻo đã khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lưu thông của lao động và hàng hoá, duy trì sản xuất kinh doanh của các điạ phương vùng lõi công nghiệp, bao gồm cả đại đô thị TP.HCM bị động hoàn toàn, nếu không muốn nói là nó nơi, có lúc bị tê liệt.

Đơn cử, ngày 4/6/2021, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn 6180 quy định kể từ ngày 5/6, tất cả những người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại các cơ sở lưu trú 21 ngày tính từ ngày rời khỏi TP.HCM.

Quy định này lập tức khiến TP.HCM phải lên tiếng. Lí do là bởi Thành phố có hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh sống và cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ở giai đoạn “bình thường mới” của TP.HCM, Thành phố nới lỏng giãn cách, từng bước mở cửa thì Đồng Nai và một số tỉnh thành khách cũng tiếp tục không đồng ý với các phương án cho phép người dân được qua địa bàn của mình dù bên nào cũng tạm thời kiểm soát được dịch bệnh.

Người nước ngoài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ trong ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách

Những quy định này đã khiến cho hoạt động vận tải hàng hoá và người lao động bị tắc, sản xuất kinh doanh bị chậm; khu vực sản xuất hàng hóa của các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế tạo thành phẩm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lao động không thể di chuyển dẫn đến thiếu hụt, chi phí sản xuất gia tăng; tổ chức giao nhận sản phẩm khó khăn do thiếu phương tiện và người vận chuyển.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: Nếu không kịp thời có các giải pháp hữu hiệu thì toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có cơ hội phục hồi hoặc phục hồi chậm chạp, tác động làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế của hộ gia đình, tỉnh thành và quốc gia:

"Với một sự ách tắc về cơ sở hạ tầng cứng như vậy, với ách tắc về quy hoạch mà chúng ta chưa thể hiện rõ nét giữa các tiểu vùng thì nó sẽ tạo ra sự liên kết vùng yếu. Và yếu vào đây dựa trên hai điểm rất quan trọng là yếu về cách tư duy của các tỉnh thành theo cái kiểu cát cứ hành chính và cái yếu về sự liên kết cơ sở hạ tầng".

TP.HCM - bình thường mới

Đối với tỉnh Long An, thời gian còn lại năm 2021, địa phương này cố gắng phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Các khu- cụm công nghiệp, các công ty, nhà máy lớn ở Long An cũng gắn với chuỗi cung ứng nguyên liệu, với hạ tầng, logistics, lực lượng lao động, nhất là đội ngũ chuyên gia của TP.HCM và các địa phương trong vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho rằng, để Long An phát triển thì phải có sự liên kết của vùng, cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương…đặc biệt là TP.HCM:

"Trong thời gian qua, chúng tôi hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với địa bàn tỉnh thì mang tính chất là để khắc phục tốt nhất trong điều kiện mình có. Còn lâu dài chúng tôi cùng với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tạo ra liên kết để làm sao khi tất cả những giao thương về mặt kinh tế, về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều phải có sự giao thương thật hài hòa".

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên:  "TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng"

Kinh tế TP.HCM và Đông Nam bộ là vấn đề quốc gia

Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cần phải kiên trì, chủ động, nhất quán phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; phải thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo đó, TP.HCM đã chủ động cập nhật các kịch bản phục hồi kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh; khẩn trương triển khai chiến lược kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”; tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của TP.HCM; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền đô thị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính…

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn nên cho rằng, phải tăng cường đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tăng cường liên kết vùng:

"Tăng cường các hoạt động liên kết vùng, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện hai mục tiêu hiện nay là phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Hiện nay chúng ta đang làm nhưng phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, làm bài bản hơn nữa, chia sẻ trong điều kiện cùng nhau phát triển đi lên".

Nhịp sống tại TP.HCM đang dần trở lại bình thường

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích: TP.HCM với vị trí vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP và gần 30% ngân sách quốc gia, là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn Thành phố có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả nước:

"Là vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế nói chung, TP.HCM mà liệt thì cả nước, cả vùng này cũng khó mà phát triển được. Do đó, vấn đề phục hồi kinh tế Thành phố không phải vấn đề riêng của Thành phố mà là vấn đề quốc gia và đặc biệt trước hết là liên quan Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong hệ thống này thì đấy là vai trò, vị trí, cách làm".

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nếu cố gắng, kinh tế TP.HCM 4 năm tiếp theo có thể bù lại những mất mát của năm 2021 và không cần phải thay đổi mục tiêu 5 năm. Trong đó, cần chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh cơ chế phối hợp chung giữa TP.HCM với các “vệ tinh”, đặc biệt là Long An, Bình Dương, Đồng Nai, trên 4 lĩnh vực: Quy hoạch và phát triển Vùng đô thị; Giao thông kết nối Vùng; Đào tạo, nguồn nhân lực, thị trường lao động chung và Bảo vệ môi trường.

Điều này có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của Thành phố và toàn vùng cũng như cả nước trong các năm tiếp theo trước bối cạnh nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn còn hiện hữu.

Hoạt động vận tải hành khách, du lịch tại TP.HCM đang từng bước phục hồi
TP.HCM đang đẩy mạnh cải cách hành chính 
Lưu thông tại cửa ngõ TP.HCM - Đồng Nai có giai đoạn gặp khó khăn
Liên kết vùng sẽ được chú trọng hơn nữa