Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Nên bỏ ngay từ ý tưởng

Dư luận và các nhà giáo đều có phản ứng với đề xuất quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp bởi ngay từ đề xuất chưa làm rõ mục đích của tấm giấy chứng nhận này.

Đại diện Bộ GD&ĐT nêu ba lý do chính cho đề xuất cấp giấy chứng nhận là trên thế giới, nhiều quốc gia đã có quy định này. Thứ hai, là nhiều ngành nghề khác quy định phải có chứng chỉ hành nghề như luật sư, bác sĩ, kỹ sư. Thứ ba là giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo.

Tính hợp lý của 3 lý do này đến đâu? Theo thông lệ quốc tế, thì giấy chứng nhận nghề nghiệp ở các nước sẽ được cấp bởi các hội nghề nghiệp nhà giáo. Nó khác biệt với quy định ở nước ta là do cơ quan quản lý Nhà nước cấp. Trong khi hiện tại nước ta cũng chưa có được hiệp hội nghề giáo viên đủ uy tín rồi việc để hiệp hội đó có một vị trí độc lập tương đối với khối quản lý hành chính và đào tạo (các trường đào tạo giáo viên) cũng không là chuyện đơn giản.

Thứ hai là không thể so sánh giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cũng như bác sĩ, luật sư và một số ngành nghề khác cũng có chứng chỉ. Bởi sẽ rất vô lý nếu ngành nghề nào cũng cần phải có chứng nhận.

Mặt khác, với các ngành nghề mang tính đặc thù như bác sĩ, luật sư, kỹ sư thiết kế, xây dựng... là họ có thể hành nghề độc lập nên cần phải chứng chỉ hành nghề để chứng nh điều kiện khi tác nghiệp, làm việc. Trong khi giáo viên là dạy học trong các cơ sở giáo dục, có tổ chức nên giáo viên chỉ cần đáp ứng điều kiện về giảng dạy do cơ sở giáo dục quy định là được.

Còn với mục tiêu công nhận và vinh danh nhà giáo thì hiện tại, mỗi nhân sự khi tham gia giảng dạy đều đã phải tuân theo những quy định nghiêm túc về bằng cấp. Cụ thể, theo Luật Giáo dục, mỗi giáo viên muốn tham gia giảng dạy phải có bằng cấp liên quan. Với các nhân sự tốt nghiệp ngành nghề khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới có thể tham gia giảng dạy.

Ngành giáo dục còn đang còn rất nhiều việc cần làm như chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; cải thiện môi trường dạy và học

Nếu xuất hiện thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp, vấn đề đặt ra là có giúp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của giáo viên, từ đó có góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy hay không? Hay sẽ khiến giáo viên mất nhiều thời gian và công sức hơn để đáp ứng các yêu cầu đặt ra để đạt được giấy chứng nhận, làm ảnh hưởng đến thời gian dành cho chuyên môn.

Do đó, câu hỏi lớn đang đặt ra là, thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo liệu có thay đổi được chất lượng của đội ngũ nhà giáo hay không? câu trả lời có lẽ là không. Hơn thế, việc cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo sẽ tăng thêm chi phí, nguồn lực xã hội như thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan, đi lại... gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên, của cơ quan quản lý giáo dục.

Việc xây dựng một chính sách hay một quy định cụ thể nào cần được tính toán, cân nhắc, tránh những tác động tiêu cực. Với đề xuất có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp thiết nghĩ là không thực sự cần thiết, ít nhất là trong bối cảnh giáo dục hiện nay.

Thay vào đó, tiếp tục giao cho các cơ sở giáo dục tự đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên như hiện nay. Đồng thời, quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn... để chọn ra đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, đảm bảo chất lượng.

Và điều quan trọng là ở thời điểm này, ngành giáo dục còn đang còn rất nhiều việc cần làm như chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; cải thiện môi trường dạy và học. Những điều này có ý nghĩa và cấp bách hơn việc có thêm một chứng nhận nghề nghiệp gây tốn kém và phiền hà.