Giãn cách kéo dài, thanh toán online tăng mạnh nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng

Năm 2020, thương mại điện tử tăng 16%, đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%. Đến làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, thanh toán không dùng tiền mặt lại càng có sự dịch chuyển rõ nét.

Tuy vậy, vẫn còn những rào cản khiến phương thức này chưa đạt được kỳ vọng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

Chị Nguyễn Hồng Ngọc ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã thay đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt kể từ khi dịch diễn biến phức tạp. Chị Ngọc ước tính, có đến 95% các giao dịch hiện nay của gia đình được thanh toán qua hình thức chuyển khoản hoặc quẹt thẻ:

"Em thấy cũng tiện, mình không phải mang theo ví hay tiền mặt . Siêu thị này em cũng quẹt thẻ luôn cho nhanh, đỡ phải trả lại tiền, thời gian chờ đợi lâu.Với lại trên nhiều app nếu mình thanh toán trước có nhiều khuyến mãi".

Còn chị Quỳnh, ở quận Hà Đông lại có thói quen mua hàng trong chợ cư dân nơi tòa nhà chị sống từ hàng tháng nay. Nếu như trước kia, hầu hết các giao dịch mua bán chị đều sử dụng tiền mặt để thanh toán, thì nay, kể cả mua mớ rau, vài lạng thịt, gói bánh bột lọc có giá vài chục nghìn đồng, chị Quỳnh cũng sử dụng hình thức chuyển khoản, ngay cả thanh toán cho shipper:

"Đa phần là chuyển khoản, sử dụng thẻ nhiều hơn. Mua thì thanh toán luôn, shipper em bảo treo ở cửa, em đỡ phải ra em tiếp xúc".

Không riêng mua bán nhu yếu phẩm, mà rất nhiều các chi tiêu thường xuyên khác như trả tiền dịch vụ nhà ở, tiền điện, nước, viễn thông, internet, học phí, v.v., xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang được thúc đẩy mạnh hơn, do đòi hỏi của công tác phòng chống dịch bệnh cũng như nhu cầu của chính người dân.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2021, tốc độ tăng trưởng giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng ở tất cả kênh giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, giá trị thanh toán qua điện thoại di động và qua kênh QR Code tăng trưởng 100 - 200%. Hàng loạt ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của kênh thanh toán online. Riêng Techcombank tăng tới 94,5% về khối lượng giao dịch ở khối khách hàng cá nhân.

Tuy vậy, đối với việc thanh toán chuyển khoản tại các quầy thu ngân, thời gian giao dịch đôi khi cũng làm nảy sinh bất cập bất cập. Anh Đức Dũng, một khách hàng đã nhiều lần thanh toán theo cách này, nhận xét:

"Hình thức đấy có thể gây mất thời gian trong quá trình thanh toán vì mỗi một lần như thế phải nhập số tài khoản. Thanh toán xong lại phải đưa màn hình cho nhân viên thanh toán, gây mất nhiều thời gian, gây ùn ứ, rất nguy hiểm. Đông người quá ở một chỗ có thể lây nhiễm".

Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng không thể thực hiện hình thức thanh toán quét mã QR của các trung gian thanh toán tại một số cửa hàng, siêu thị, do các trung gian thanh toán (đơn vị cung cấp mã QR) chưa có sự liên kết được với tất cả các ngân hàng.

Anh Nguyễn Hoàng Giang, chuyên gia của một đơn vị Trung gian Thanh toán tại Việt Nam cho biết cho rằng: "Đấy cũng là một phần khó khăn của bên cung cấp dịch vụ. Bởi vì bên cung cấp dịch vụ phải có sự liên kết với tất cả các ngân hàng của Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Và việc đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều được mà họ phải đi liên kết với từng ngân hàng".

Anh Giang cũng cho biết, thời điểm dịch bệnh, giá trị và số lượng giao dịch của các Trung gian thanh toán có tăng, tuy nhiên mức tăng không được như kỳ vọng, do các nhà cung cấp gặp nhiều khó khăn trong khâu giao hàng.

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: