Giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 3 - 5 ngày?

6 tháng đầu năm nay, hàng loạt ngành sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, đời sống người dân chật vật, khốn đốn vì giá xăng dầu tăng cao. Quốc hội, Chính phủ phải rất khó khăn để tìm cách hạ nhiệt giá xăng, ổn định thị trường; trong khi đó, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn lãi khủng...

Điển hình, có doanh nghiệp lọc hóa dầu lãi ròng hơn 12 nghìn tỉ đồng. Còn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn được tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít bất kể diễn biến thị trường.

Điều này nên được nhìn nhận ra sao? Liệu có cần can thiệp chính sách để cân bằng lợi ích liên quan đến mặt hàng này? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

PV: Ông nhìn nhận ra sao về việc người dân còn đang khốn khó với giá xăng dầu tăng cao thì các doanh nghiệp ngành xăng dầu lại có lãi “khủng”?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Một cách khách quan thì kinh doanh xăng dầu trong thời gian vừa qua có thời gian có lãi,  nhưng cũng gặp những khó khăn nhất định khi giá thế giới tăng mà chúng ta chưa điều chỉnh giá bán một cách kịp thời, bám sát sự biến động của giá thế giới. Khi giá thế giới giảm thì trong nước vẫn còn lượng xăng dầu mua trước đó giá cao.

Nguyên nhân chính nằm ở chu kỳ điều chỉnh giá của chúng ta để quá dài tạo ra sự lệch pha giữa giá trong nước và giá thế giới. Nhưng tính chung thời gian dài thì kinh doanh xăng dầu vẫn bù đắp chi phí và có lãi nhất định.

Thực tế là thời gian qua, giá xăng dầu đứng ở mức rất cao, chưa bao giờ cao như thế nên đã tác động không tích cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh và giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ kinh doanh theo quy định; nhưng cái chính là những quy định đấy bây giờ còn những bất cập cần xem xét và sửa chữa nhất định để đảm bảo kinh doanh xăng dầu hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và người tiêu dùng.

 Ảnh nh họa

PV: Vậy, cần xem xét lại chính sách về kinh doanh xăng dầu ra sao để đảm bảo toàn sự cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Cần phải sửa lại: phải nhất quán trong chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện cơ chế giá thị trường và giảm chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống còn 3 - 5 ngày và tiến tới điều chỉnh theo biến động hàng ngày của giá thế giới, không để lệch pha như thời gian vừa qua.

Thứ 2 là xóa bỏ một số rào cản không hợp lý để thúc đẩy kinh doanh xăng dầu có cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh thực sự về nhập khẩu, cung ứng xăng ra thị trường và cạnh tranh về giá cả để làm sao qua cạnh tranh có mức giá hợp lý nhất.

Thứ 3 là rà soát lại phương pháp tính các loại thuế đối với xăng dầu để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh xăng dầu tìm nơi nhập có mức thuế thấp nhất để hạ giá xăng dầu trong nước.

Thứ 4 là rà soát cách tính toán các chi phí hiện hành về kinh doanh của các đơn vị kinh doanh xăng dầu: tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường và hợp lý, hợp lệ để đảm bảo có chi phí hợp lý, chia sẻ với người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!