Giảm áp lực cho học sinh mùa thi cử: Cần thay đổi từ chính phụ huynh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào lớp 10 đang tới gần. Học sinh ngoài việc học tập vất vả tại nhà, tại trường và các lớp học thêm, còn phải chịu nhiều áp lực từ chính các phụ huynh. Vậy phụ huynh cần phải làm gì để con em mình có được sự tự tin và thoả

Một số phụ huynh có tình trạng đặt kỳ vọng của bản thân vào con cái, muốn “ép” con thi đỗ vào những ngôi trường có tiếng, nhưng không quan tâm đến sở thích và năng lực học tập của con em mình có phù hợp hay không (Ảnh: Diên Thành)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

11h trưa, bạn Nguyễn Minh Nam tan học ở một trường THCS trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội vội vã đạp xe về nhà cách trường hơn 2km để ăn trưa. Sau khi nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng đồng hồ, Nam lại chuẩn bị đến lớp ôn thi vào cấp 3 vào buổi chiều.

Cũng như Nam, không chỉ phải đi lại vất vả trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều học sinh khác còn đang phải đối mặt với nhiều áp lực về học tập, kết quả thi cử.

Một số học sinh cho biết ý kiến:

"Hiện tại áp lực từ rất nhiều phía, không chỉ gia đình, nhà trường và áp lực từ phía bản thân con. Bởi đi thi cấp 3 là mở ra một con đường rất quan trọng cho nên áp lực chắc chắn là phải có".

"Con chỉ áp lực kỳ thi sắp đến mà kiến thức chưa đủ".

Thống kê của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Hà Nội có hơn 107 nghìn học sinh lớp 9 đăng ký dự thi nhưng chỉ có 66 nghìn chỉ tiêu vào trường THPT công lập, tương đương 62% học sinh giành được suất vào công lập.

Tỷ lệ “chọi” cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 73,4% năm học trước. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đốc thúc con em mình học tập với thời gian biểu “dày đặc”, cắt giảm nhiều các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn của các em.

Trong khi đó, một số phụ huynh có tình trạng đặt kỳ vọng của bản thân vào con cái, muốn “ép” con thi đỗ vào những ngôi trường có tiếng, nhưng không quan tâm đến sở thích và năng lực học tập của con em mình có phù hợp hay không.

Một học sinh chia sẻ:

“Con thường có áp lực từ phía bố mẹ hoặc từ phía thầy cô, vì trường con là trường điểm nên phải vào trường này, trường nọ để bố mẹ tự hào.. nên hơi áp lực, hơi mệt về tinh thần. Nếu không đỗ sẽ mang tiếng là học trường này không đỗ được trường cao hơn, bố mẹ sẽ bảo học nhiều như thế mà không đỗ, sẽ gây áp lực nhiều hơn cả khi đang ôn thi”.

Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Quỳnh Hương phân tích, sự “can thiệp” quá sâu của phụ huynh vào đời sống, kế hoạch học tập của con cái, một mặt có thể giúp các con rèn luyện, học tập có tính kỷ luật, nhưng mặt khác, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý, làm các em mất bình tĩnh, có tâm lý đối phó:

“Tôi thấy sự quan tâm hay cha mẹ kiểm soát con thái quá gây áp lực về mặt tâm lý trẻ con và khiến cho con cái không có tính độc lập, tự chủ nhất định”, Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Quỳnh Hương nhận định

Thực tế cho thấy, sau mỗi kỳ thi, nhiều học sinh bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần, hoặc bị trầm cảm vì áp lực học hành, và áp lực của các phụ huynh khi không thi đỗ vào các trường như phụ huynh mong muốn. Đã có không ít trường hợp các em đã tự tử vì không dám đối mặt với thất bại và sự phản ứng thái quá của phụ huynh khi biết kết quả thi.

TS Nguyễn Tùng Lâm -Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, môi trường học cũng rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc làm thế nào để phát huy năng lực của từng em một cách phù hợp nhất. Trong thời kỳ chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, để tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho các em, cần sự thay đổi từ chính các bạc phụ huynh:

“Các bậc phụ huynh phải đồng hành cùng con, tức là căn cứ vào năng lực sở trường, giúp con có nhận thức đúng về cuộc sống, về nghề nghiệp về sự phát triển bản thân, để các con đã tự giác phấn đấu, được quyền lựa chọn những cách phù hợp với mình chứ không phải nhiều cách lựa chọn chỉ là xuất phát từ huynh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng lưu ý, trong trường hợp các em có sự lựa chọn chưa chính xác hay có kết quả thi không đạt như kỳ vọng, các phụ huynh cũng cần tôn trọng kết quả đó, không nên tạo áp lực mới nên các em. Coi lựa chọn sai như một bài học để các em điều chỉnh và đánh thức ý thức tự chủ bản thân, ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. 

Đồng hành và chia sẻ với các em học sinh cuối cấp, động viên và hướng dẫn con lựa chọn những ngôi trường phù hợp với năng lực học tập, sở trường là cách phụ huynh thể hiện sự tin tưởng vào chính con em mình. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện sự gắn kết, yêu thương của cha mẹ dành cho các em. 

---

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết, đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 22/6 tại đây: