Giải bài toán đào tạo lại sinh viên ra trường cho doanh nghiệp

Nếu như sinh viên được tiếp cận dự án, môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường thì doanh nghiệp và cả sinh viên đều sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Lễ ra mắt Xưởng thực hành và Ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược giữa FPT Polytechnic cùng các doanh nghiệp

Lo ngại phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường

Thiếu kinh nghiệm thực tế hay kỹ năng chuyên môn không như kỳ vọng là thực trạng chung của sinh viên mới tốt nghiệp, đồng thời cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp mỗi khi tuyển dụng nhân sự.

Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí, thời gian trong việc đào tạo lại sinh viên mới ra trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận hành của mỗi bộ phận, phòng ban.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Go Stream - cho biết: "Tùy vào vị trí công việc mà cần thời gian đào tạo khác nhau, tất nhiên cũng có những công việc cần thời gian đào tạo 3-6 tháng.

Nếu như sinh viên được tiếp cận dự án, môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường thì doanh nghiệp và cả sinh viên đều sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nâng cao hiệu suất công việc ngay khi được tuyển dụng chính thức".

Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Go Stream

Không những vậy, tại quá trình tiếp nhận thực tập, không ít doanh nghiệp đều cảm thấy "hụt hẫng" khi vừa hoàn thành đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc thì sinh viên lại đòi nghỉ việc.

Bà Đinh Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty CP Văn hóa Tân Bình đặt vấn đề: "Đón sinh viên vào thực tập, đến khi kết thúc kỳ thực tập, liệu các bạn sinh viên sẽ nghỉ hay làm tiếp? Có những bạn vừa được đào tạo lại, dần quen việc thì lại nghỉ, thực sự rất lãng phí thời gian, nguồn nhân lực".

Đa số các lãnh đạo doanh nghiệp đều nhất trí rằng việc đào tạo lại sinh viên đã ra trường gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp, thậm chí có những doanh nghiệp còn "ám ảnh" với việc phải đào tạo lại.

Trước bài toán nan giải này, các doanh nghiệp kỳ vọng vào mối liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ giúp nâng cao chất lượng sinh viên, đảm bảo chất lượng nguồn cung ứng nhân sự đầu vào cho mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chọn "đặt hàng" nhân sự ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp. Theo đó, không chỉ đẩy mạnh hoạt động hợp tác cung ứng nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp còn trực tiếp tham gia vào hoạt động đào tạo, tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập từ sớm để chọn lọc và tuyển dụng chính thức ngay khi vừa tốt nghiệp.

Thầy Trần Vân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic

Mô hình xưởng thực hành ra đời chính bởi nhu cầu của doanh nghiệp

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, xưởng thực hành là bước đệm để sinh viên sớm nắm bắt kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn thông qua những buổi thực hành, nhưng như vậy là không đủ. Nếu chỉ có sự tham gia từ phía nhà trường thì thông tin mà các bạn sinh viên nhận được sẽ mang tính "một chiều", thiếu thông tin hữu ích dựa trên bối cảnh thực tế.

Trường Cao đẳng FPT Polytechnic là một trong những cơ sở GDNN đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình xưởng thực hành hiện đại có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đang là cách làm hiệu quả để đảm bảo nguồn cung ứng nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Trần Vân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Giám đốc FPT Polytechnic TPHCM cho biết: "Nhà trường đang triển khai theo mô hình dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thậm chí tiếp nhận dự án thực tế từ doanh nghiệp để sinh viên được trải nghiệm thực tế, hiểu hơn về công việc bản thân sẽ làm sau này.

Như vậy không chỉ đảm bảo được chất lượng đào tạo mà còn đảm bảo cả những tiêu chí của nhà tuyển dụng".

Sinh viên cơ khí thực hành tại xưởng

Hiện tại, các ngành học "hot" như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa, Cơ khí, Chăm sóc sức khỏe... đã được thiết kế chương trình học tại xưởng thực hành. Từ đó, các bạn sinh viên không chỉ nhận được sự hướng dẫn, giảng dạy từ các giảng viên mà còn tiếp nhận, cập nhật liên tục những kiến thức, kỹ năng mới đến từ các giám sát, chuyên viên của doanh nghiệp.

Đáng nói, xưởng thực hành cũng là nơi tiếp nhận các dự án của doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội tham gia vào hoạt động thực tế. Đồng thời, doanh nghiệp nhanh chóng tìm hiểu rõ các ứng viên, sàng lọc và tuyển chọn ngay những sinh viên tiềm năng, đáp ứng tốt tiêu chí công việc.

SInh viên du lịch - nhà hàng - khách sạn thực hành tại quầy Poly Bar

Với mô hình xưởng thực hành, Công ty CP Công nghệ Go Stream hy vọng nhà trường sẽ tổ chức ít nhất là 2 người hướng dẫn. Trong đó, 1 người từ phía nhà trường, đảm bảo yếu tố về kiến thức nền tảng và 1 người từ doanh nghiệp sẽ giúp mở rộng kiến thức thực tế, kinh nghiệm thực chiến cho các sinh viên.

Giám đốc kinh doanh Phạm Ngọc Duy Liêm nhấn mạnh: "Các bạn sinh viên sẽ nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế và đến kỳ thực tập hay sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ, thậm chí nhanh chóng bắt tay vào công việc".

Sinh viên FPT Polytechnic thực hành môn nhiếp ảnh

Theo chia sẻ của sinh viên Dương Văn An, chuyên ngành Quan hệ công chúng & Tổ chức sự kiện (Cao đẳng FPT Polytechnic TPHCM), điều mà sinh viên lo nhất là sau khi tốt nghiệp, lại phải tốn nhiều thời gian để doanh nghiệp đào tạo lại sao cho phù hợp với tiêu chí hoạt động:

"Khoảng thời gian đào tạo lại này em thấy chỉ nên kéo dài 1-2 tuần, chứ nếu kéo dài quá lâu thì cả nhà tuyển dụng và người lao động đều cảm thấy áp lực. Chính vì thế, nếu như được đào tạo sát với thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người học".