Giá xăng dầu leo thang, nhiều doanh nghiệp điêu đứng 

Giá xăng dầu tăng liên tiếp 7 lần từ cuối năm 2021 đã làm chi phí đi biển của các ngư dân tăng gần gấp đôi, nhiều ngư dân đắn đo vươn khơi.

Ảnh nh họa

Từ đầu năm đến nay, chỉ có 366 lượt tàu ra vào cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chủ tàu, để trữ 4 nghìn lít dầu cho một chuyến biển 10 ngày, các chủ tàu phải chi 80 triệu đồng tiền xăng dầu, cao gấp 1,6 lần so với thời điểm xăng dầu chưa tăng giá.

Ông Tấn Phước Hòa, trú tại huyện Phú Quý cho biết: "Càng bám biển bao nhiêu càng thua lỗ bấy nhiêu. Nguồn cá cạn kiệt nhiều lắm, dầu xăng lên giá buộc ngư dân gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Nằm trụ lại chứ không thể tiếp tục đi nữa".

Cùng chung nỗi niềm, các lái xe taxi công nghệ và chủ doanh nghiệp cũng đang phải tính mọi cách xoay sở: "Tăng giá cước lên thì người sử dụng dịch vụ ít đi và mình đi đón khách thì quãng đường đón khách sẽ khó khăn và cũng ảnh hưởng".   

Doanh nghiệp vận tải chưa kịp phục hồi vì covid đã phải đối mặt với cú “sốc” giá xăng tăng. Không tăng giá, doanh nghiệp sẽ chịu lỗ mà điều chỉnh tăng giá cước, lại lo mất khách.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc G7 Taxi bày tỏ: "Khó khăn nhất là chúng ta không thể dự đoán được đỉnh điểm của giá xăng dầu để điều tiết cho phù hợp hoạt động vận tải thời gian tới"

Giá cả hàng hóa nhiều mặt hàng thiết yếu đã điều chỉnh tăng theo giá xăng. Một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã tăng giá bán sản phẩm từ 10-15% và nhiều doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị tăng giá sản phẩm theo giá xăng dầu trong tháng 3.

Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thời gian qua tăng cao đã tác động lớn đến giá thành các dự án giao thông, gây áp lực lớn về tài chính đối với các nhà thầu và nhiều dự án giao thông trọng điểm đối mặt với nguy cơ vỡ tiến độ.

Một số nhà thầu cho biết:

"Từ khi giá dầu tăng thì tất cả các nguyên vật liệu đều tăng. Khó khăn đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án rất nhiều".

"Giá nguyên vật liệu đang tăng rất lớn so với thời điểm kí hợp đồng, sắt thép, nhiên liệu tăng gần 100%.Nhà thầu đang cố gắng thương thảo sớm với các đơn vị cung cấp để làm sao tác động ít nhất đến tiến độ thi công của công trình. Với tốc độ tăng giá hiện nay nhà thầu chỉ có thể cầm cự trong vòng 3 tháng nữa".

"Tại thời điểm kí hợp đồng, giá cả vật tư như sắp thép chỉ 12.000-13.000/kg thôi, bây giờ đã tăng lên đến 18.000-19.000 đồng/kg nên rất ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính".

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu “nhảy múa” còn tác động bất lợi đến nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch: "Với tính toán của chúng tôi, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ làm cho GDP giảm 0,5%; tổng chi phí của nền kinh tế sẽ tăng 0,35%; về lạm phát biểu hiện là chỉ số giá tiêu dùng thì sẽ tăng kép từ 0,6-0,7%".