Giá kim loại giao sau và dầu thô liên tục lập đỉnh kỷ lục

Tuần qua, 35 mặt hàng đang được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam chứng kiến những biến động trái chiều.

Mặc dù chỉ số hàng hóa chung MXV-Index đóng cửa tăng 2,7% lên mức 2.419 điểm, nhưng chủ yếu nhờ vào mức tăng của nhóm kim loại và năng lượng.  

Hầu như toàn bộ thị trường kim loại đều tăng đột biến trong tuần trước. Mức tăng mạnh nhất là mặt hàng Kẽm trên sở giao dịch LME, tăng tới 20% lên mức 3.794 USD/tấn. Giá Đồng trên sở COMEX cũng tăng 10% lên mức 10.426 USD/tấn. Theo đó, chỉ số MXV-Index Kim loại đã tăng 8% và lần đầu tiên vượt mốc 2.000 điểm kể từ giữa tháng 8 tới nay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng trong thời gian gần đây khiến chi phí sản xuất đắt đỏ, làm giảm công suất các nhà máy luyện kim lớn trên thế giới là nguyên nhân gây ra biến động lớn này. Giá bạc và giá đồng đang có xu hướng đi cùng nhau hơn trong giai đoạn này, bởi cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu và Trung Quốc khiến cho các nhà máy sản xuất kim loại phải đóng cửa, thắt chặt nguồn cung của các kim loại này trên toàn cầu. Tuy nhu cầu tiêu thụ cũng sụt giảm, nhưng khi các nước đạt được tốc độ tăng trưởng bình thường, nguồn cung sẽ là thứ khó tăng lên để bù lại hơn.

Nguồn cung đồng suy yếu còn đáng lo ngại hơn, do kim loại này đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày hơn so với bạch kim. Trong khi đó, nhập khẩu đồng trong tháng 9 của Trung Quốc vẫn tăng so với tháng 8 bất chấp cuộc khủng hoảng điện cũng là yếu tố cho thấy triển vọng sáng sủa của thị trường và hỗ trợ giá đồng tăng mạnh.

Ngoài kim loại thì nhóm dầu thô cũng tiếp nối dài đà tăng trong tuần vừa rồi, thúc đẩy bởi kỳ vọng tiêu thụ dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm. Kết thúc tuần, giá dầu WTI trên ở NYMEX đánh dấu chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp với mức tăng 3.69% lên 82.28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent trên sở ICE tăng 3% lên 84.86 USD/thùng.

Theo thông tin từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ba tổ chức này đều nâng số liệu dự báo tiêu thụ dầu trong quý IV tới, trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đã tìm ra giải pháp để gia tăng nguồn cung.

Theo các ước tính hiện tại, nhu cầu dầu có thể tăng thêm 500 – 700 nghìn thùng/ngày trong mùa đông năm nay, cao hơn mức tăng sản lượng của nhóm OPEC+. Nhu cầu tăng khiến cho các nước tiêu thụ lớn phải cạnh tranh để đảm bảo không bị thiếu hụt trong thời gian tới. Tiêu biểu là Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu tại nước này được cho là đang gia tăng thu mua dầu giao trong tháng 11 và tháng 12, sau khi đã được chính phủ cấp hạn ngạch thêm hàng triệu tấn và các nhà máy sản xuất điện được phép điều chỉnh giá bán lẻ.