Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Tiền dân gửi ngân hàng giảm: Chuyên gia dự báo gì về lãi suất?

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ ba 07/05/2024, 20:10 (GMT+7)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Đặc biệt, tiền gửi của dân lần đầu tiên giảm trong hơn hai năm qua.

Vậy các ngân hàng đang có động thái gì để thu hút tiền gửi? Chuyên gia dự báo gì về lãi suất từ nay tới cuối năm? 

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, số dư tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 1 đạt 13,17 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 200.000 tỷ đồng so với tháng liền trước. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 34.673 tỷ đồng so với tháng 12/2023. Như vậy, tháng 1/2024 đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021 mà số dư tiền gửi của dân cư giảm so với tháng liền trước.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích nguyên nhân dẫn đến thực tế này: "Những tháng đầu năm đặc biệt là tháng 4, lượng tiền gửi của dân cư ở các ngân hàng có bước sụt giảm đáng kể mà chủ yếu ở đó lãi suất tiền gửi sụt giảm do các ngân hàng được sự chỉ đạo là đưa lãi suất tiền gửi xuống thấp sát với mức độ lạm phát.

Vì thế lãi suất xuống thì việc người dân tìm lĩnh vực khác để đầu tư là điều dễ hiểu. Chính vì vậy cho nên mức độ huy động vốn của các ngân hàng trong mấy tháng đầu năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái."

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Diễn biến giảm của số dư tiền gửi dân cư trái ngược với xu hướng thông thường trong lịch sử. Thông thường, số dư tiền gửi sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng đầu năm và có thể giảm nhẹ vào một số thời điểm trong năm, thường là hai quý cuối.

Tuy nhiên, ngay tháng 1/2024, tiền gửi của dân cư đã đi xuống. Diễn biến này trùng khớp với xu hướng chạm đáy của lãi suất tiết kiệm trong những tháng đầu năm 2024. Bên cạnh việc lãi suất tiền gửi thấp, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng các kênh đầu tư khác cũng đang có sức hấp dẫn hơn việc gửi tiết kiệm:

"Nguyên nhân lớn nhất là cái lãi suất tiền gửi quá thấp, không đủ sức hấp dẫn với người gửi tiền. Nếu như tiền gửi không đủ sức hấp dẫn về lãi suất thì người ta sẽ không gửi tiền vào ngân hàng mà thay vào đó sẽ tìm kiếm kênh đầu tư khác.

Thời gian qua lại xuất hiện một loạt kênh đầu tư khác như vàng, thậm chí ngoại tệ, người ta chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác và không lựa chọn vào kênh của ngân hàng nữa. Về góc độ chính sách như tiền tệ, lãi suất hay chính sách khác thì phải làm thế nào đó để cân đối được những mục tiêu này."

Tuy nhiên, kể từ giữa quý I/2024 một số ngân hàng thuộc nhóm cổ phần đã bắt đầu có động thái nâng lãi suất tiết kiệm. Hiện tại, mặt bằng lãi suất bình quân đã nhích nhẹ lên so với mức đáy ghi nhận vào cuối tháng 3/2024.

Trước thực tế lượng tiền gửi giảm, một số ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng đây là động thái cục bộ bởi chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng thương mại chứ không phải tất cả.

Ông Lực đưa ra dự báo về lãi suất từ nay tới cuối năm: "Cục bộ vì nó chỉ tăng một số ngân hàng chứ không phải tất cả, vì rõ ràng mặc dù tiền gửi dân cư không tăng, thứ 2 tín dụng ra chậm, nhu cầu huy động vốn không phải quá cao, thanh khoản của hệ thống tương đối dồi dào nên xu hướng chỉ tăng cục bộ. Có thể từ nay tới cuối năm lãi suất huy động chỉ tăng một chút, cơ bản không đáng kể. Còn lãi suất cho vay thì đương nhiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN là phải giữ ổn định, thậm chí là phấn đấu tiết giảm chi phí và giảm nhẹ ở một số gói chương trình tín dụng."

Việc các ngân hàng tiếp tục giữ lãi suất cho vay ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn là một trong những yêu cầu mà các ngân hàng thương mại phải thực hienej. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn vào thực tế kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt việc lượng tiền gửi giảm thì chắc chắn đây sẽ một bài toán kinh doanh với các ngân hàng thương mại:

"Rõ ràng đây là 1 bài toán trong việc vừa đảm bảo mức lãi suất huy động phù hợp để thu hút lượng tiền gửi, nhưng đồng thời phải đẩy mạnh tiết giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và từ đó cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay đối với nền kinh tế quốc dân. Nhìn chung chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất từ nay tới cuối năm sẽ có mức tăng lên nhưng mà mức tăng nhẹ."

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định việc lãi suất huy động ở mức thấp và không đủ hấp dẫn với người gửi tiền sẽ tạo nên áp lực là hệ thống ngân hàng phải duy trì được khả năng thanh khoản của mình cũng như huy động được vốn để cho vay, đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế; đồng thời phải làm sao để lãi suất phải có sức cạnh tranh hơn so với một số kênh đầu tư mà người dân đang cân nhắc

"Chính vì vậy khả năng tăng lãi suất tiền gửi nhích lên từ giờ tới cuối năm. Đấy là dự báo dựa trên diễn biến của thị trường cũng như nhu cầu thực tại của nền kinh tế. Tuy nhiên cũng có những biện pháp mà chắc chắn Chính phủ và NHNN sẽ tìm cách để mức tăng đó ở mức độ phù hợp để nó không tạo ra áp lực với việc tăng trở lại lãi suất cho vay quá lớn", TS Lê Duy Bình cho biết. 

Từ đầu tháng 4/2024, lãi suất huy động mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, thống kê có 16 ngân hàng điều chỉnh tăng, có nơi tăng đến 0,9 điểm phần trăm. Dẫu vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với xu hướng nhích lãi suất tiền gửi từ nay tới cuối năm thì tiền gửi ngân ngân cũng sẽ phục hồi./.

 

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn